"Chiếc vương miện sẽ mang đến cho chúng ta rất nhiều cơ hội, còn biến cơ hội đó thành điều gì còn tùy thuộc vào khả năng của mỗi người".
Câu nói của Đỗ Mỹ Linh - Hoa hậu Việt Nam 2016 - sẽ khiến nhiều người phải trăn trở và suy ngẫm về những cụm từ mà bao nhiêu cô gái phải mơ ước là vương miện và hào quang, hoa hậu và cơ hội.
Loạn danh xưng hoa hậu
Dạo quanh các diễn đàn sắc đẹp, đa dạng các nền tảng mạng xã hội từ Facebook đến TikTok, không khó để bắt gặp câu hỏi: "Hoa hậu ở đâu mà lắm thế?". Tính "sương sương" các cuộc thi được cho là quy mô, tầm cỡ vừa và lớn, con số đã lên đến hàng chục. Đó là chưa tính đến các cuộc thi hoa khôi, người đẹp vùng miền.
Ngay cả một người là fan sắc đẹp lâu năm, nếu yêu cầu kể một lượt các cuộc thi lớn, chưa chắc họ đã làm được một cách lưu loát. Câu hỏi đặt ra ở đây là, đến cuối cùng, các người đẹp dấn thân vào các cuộc thi hoa hậu để làm gì?
Không quá khó để nhận ra rằng Việt Nam ngày càng trở thành quốc gia "cuồng hoa hậu" giống với Philippines. Vô hình trung, điều đó xảy ra tình trạng loạn hoa hậu.
Từ hoa khôi các vùng miền, doanh nhân, cuộc thi quý bà, hoa hậu các tỉnh thành, thậm chí là các cuộc thi quốc tế nhưng quy mô "ao làng", nhiều cô gái chỉ sau một đêm đã khoác lên mình cái mác hoa hậu danh giá.
Ngoài ra, còn có những biến thể khác như hoàn cầu, toàn cầu, quốc tế, thế giới... (nhằm ăn theo các cuộc thi lớn như Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Quốc tế, Hoa hậu Thế giới...). Nhưng đến cuối cùng, khi những "hoa hậu" kể trên xuất hiện trên mạng xã hội, nhiều người phải ngán ngẫm trước nhan sắc của người đăng quang, cũng như những giải thưởng, danh sách nhà tài trợ.
Hậu đăng quang, không ít những người đẹp, hoa hậu ấy trở về cuộc sống... bán hàng online, giám đốc của một công ty mỹ phẩm nào đó. Còn nhớ năm 2020, dư luận rúng động với đường dây các hoa hậu, người đẹp bán dâm. Nhưng khi kể tên hoa hậu lẫn cuộc thi, không ai biết họ "từ đâu chui lên".
Nói đúng hơn, danh xưng tại các cuộc thi hoa hậu ngày càng bị lạm dụng, biến tướng một cách khó chấp nhận. Điều đó vô tình khiến các thí sinh, người đẹp chân chính gặp định kiến, miệt thị.
Đặc biệt, tình trạng loạn hoa hậu, danh xưng càng trầm trọng hơn từ lúc việc xuất ngoại không còn quá khó khăn. Họ không bị sờ gáy bởi việc cấp phép, các cuộc thi quốc tế cũng không quá khắt khe. Bởi, quy định việc các thí sinh tham gia bắt buộc phải là Top 3 đang đương nhiệm cuộc thi nhan sắc cấp quốc gia tại quê nhà đã được "bãi bỏ".
Thi hoa hậu để đổi đời, có tiền trả nợ và diễn vedette
"Em muốn được nổi tiếng như chị Phạm Hương", "Sau khi đăng quang thì em sẽ nổi tiếng và có thật nhiều tiền"...Đó là những câu nói viral trên mạng xã hội sau khi thí sinh một cuộc thi hoa hậu trả lời phỏng vấn ban giám khảo.
Với nhiều cô gái "chân ướt chân ráo" chập chững bước vào đấu trường sắc đẹp, họ có tư duy khá ngô nghê. Với họ, đơn giản là thi hoa hậu sẽ có nhiều tiền. Họ nhìn điều đó từ những nàng hậu Việt Nam, tiêu biểu là Phạm Hương. Nhưng họ không biết rằng, để đạt được danh xưng và vị trí như hiện tại, các hoa hậu trải qua quá trình tập luyện, đào tạo khắc nghiệt, đổ mồ hôi và nhiều nước mắt.
Thật ra, nếu nhìn một cách trực diện, suy nghĩ đó không hề sai. Bởi lẽ, phần thưởng cho một tân hoa hậu, dù là cuộc thi cấp tỉnh hay quốc gia, không chỉ nằm lại ở giá trị tiền thưởng được trao trong đêm chung kết. Hậu đăng quang, chiếc vương miện sẽ mở ra cho các người đẹp cánh cửa mới: hình ảnh hào nhoáng, truyền thông săn đón, tham gia sự kiện đắt đỏ.
Còn nhớ, khi được hỏi động cơ thi hoa hậu, Hương Giang - Miss International Queen- không chần chừ: "Giang khát khao đổi đời. Giang đã là người hoạt động showbiz từ trước nên Giang rất thích hào quang. Với Giang, đã là nghệ sĩ là phải nổi tiếng. Nổi tiếng bằng cách này không được thì phải bằng cách khác.
Giang muốn bước lên một cái tầm cao mới, Giang nhìn nhận ở Việt Nam mình, muốn nhanh nhất để trở thành ngôi sao hạng A chỉ có thể là hoa hậu".
Thời điểm mới phát biểu, câu nói của Hương Giang từng gặp nhiều phản ứng trái chiều. Nhưng nhìn lại, việc này đúng đến... 90%.
Nếu không đăng quang Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế, cơ hội nào cho Hương Giang sau sự cố vô lễ với tiền bối? Những H'Hen Niê, Hoàng Thùy, Mâu Thủy, Khánh Vân... liệu có cơ hội thống trị sàn diễn thời trang Việt nếu không thi hoa hậu?
Đừng quên rằng H'Hen Niê và Khánh Vân đều từng mờ nhạt trên bản đồ người mẫu Việt. Danh xưng Top 5 Miss Universe 2018 và Top 21 Miss Universe 2020 đã đưa tên tuổi hai ngôi sao (đều xuất thân từ người mẫu) lên tầm cao mới.
Trở lại cuộc thi Miss Universe Vietnam 2022, khán giả từng "hết hồn" với câu chuyện "truyền cảm hứng" của thí sinh mang SBD 120. Trong buổi phỏng vấn trước ban giám khảo, cô cho biết bản thân tự mua nhà với hai bàn tay trắng thông qua hình thức trả góp.
Câu nói sau đó của thí sinh này mới là điều khiến người khác suy ngẫm:"Không cần phải tới 35 năm đâu, có thể sau cuộc thi này em có thể trả hết nợ". Câu nói nàykhiến giám khảo Vũ Thu Phương phải nhanh chóng đặt câu hỏi:"Vậy là em đi thi chỉ để kiểm tiền trả nợ".
Câu nói của Vũ Thu Phương cũng khiến nhiều người suy ngẫm không kém.
Có một sự thật ở Việt Nam là, song song với loạn hoa hậu đó chính làloạn vedette - first face thậm chí là danh xưng siêu mẫu. Có người cầm mic cả đời không được khán giả nhớ mặt đặt tên, có diễn viên cống hiến vài thập kỷ cũng không có vai diễn để đời. Nhưng ở Việt Nam, 18 tuổi hay 19 tuổi bạn dễ dàng trở thành vedette khi chiến thắng cuộc thi hoa hậu. Không ít siêu mẫu phải chạnh lòng với tình trạng này tại thị trường người mẫu Việt Nam.
Thi "chơi" nhưng thắng thật
Hoa hậu Lương Thùy Linh từng nói rằng:"Ban đầu em khá rụt rè, em chỉ muốn thi hoa hậu để kết thêm nhiều bạn bè, cởi mở hơn với mọi người. Danh hiệu đến với Linh chính là thành quả ngọt cho những gì Linh đã cố gắng".
Từ việc từng rất khổ sở phải còng lưng để ngang hàng chiều cao với bạn bè cùng trang lứa, từ việc "bất mãn", "phiền phức" về đôi chân dài của mình, giờ đây Lương Thùy Linh đã khác.
Sau khi đội vương miện Miss World Vietnam 2019 và lọt Top 12 Miss World 2019, người đẹp sinh năm 2000 giờ đây là vedette ngang hàng với người mẫu có thâm niên hơn một thập kỷ. Cô thậm chí là huấn luyện viên chương trình tìm kiếm người mẫu.
Hay đơn giản như Đỗ Mỹ Linh từng nói: "Em chưa bao giờ nghĩ mình sẽ hoạt động showbiz, chưa bao giờ em nghĩ mình xinh. Em được các anh chị trong câu lạc bộ xúi giục em đi thi hoa hậu. Với em 2 từ hoa hậu lúc đó rất xa lạ". Trường hợp này cũng giống với Đỗ Thị Hà. Ngày giấu bố mẹ nộp hồ sơ đăng ký dự thi, cô chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành hoa hậu.
Dù sao đi nữa, chúng ta đều tôn trọng quyết định, hướng đi của các cô gái trẻ. Họ có quyền ước mơ, chọn hướng tương lai của mình. Và sẽ chẳng có gì sai nếu họ đăng ký tham gia cuộc thi sắc đẹp, nếu mục đích cuối cùng là chân chính và không làm tổn hại đến danh xưng cao quý "hoa hậu".