Thông tin này được ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - đề cập tại Hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024 của Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), diễn ra ngày 10/1.
Về lộ trình chuyển đổi xe buýt từ sử dụng năng lượng dầu sang năng lượng xanh, ông Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, yêu cầu của Chính phủ là năm 2050 TP Hà Nội sẽ chuyển toàn bộ phương tiện vận tải hành khách công cộng trong đó có xe buýt sang năng lượng xanh (chạy điện hoặc khí nén CNG).
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội thông tin, thành phố đã có chủ trương triển khai công việc này và hoàn thành vào năm 2035, sớm hơn yêu cầu của Chính phủ 15 năm.
Lãnh đạo TP Hà Nội khẳng định, đây là chủ trương đúng đắn, phù hợp xu thế và không thể lùi. Thành phố chủ động triển khai sớm năm nào sẽ giảm ô nhiễm, hoàn thiện hạ tầng vận tải hành khách công cộng năm đó.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền đánh giá, trong bối cảnh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn nhưng năm 2023 mảng vận tải hành khách công cộng Transerco vẫn giữ hoạt động ổn, xe buýt đã có sự tăng trưởng kỷ lục về sản lượng hành khách trong vòng 4 năm qua (tăng 35%) là một sự cố gắng, nỗ lực lớn.
Cùng với đề nghị Transerco tiếp tục giữ đà tăng trưởng về sản lượng hành khách đi xe buýt trong năm 2024, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội mong muốn, đơn vị này áp dụng mạnh mẽ công nghệ trong quản lý, vận hành buýt, đồng thời tạo ra những tiện ích theo hướng giúp hành khách tiếp cận buýt thuận tiện.
Việc cần triển khai đầu tiên được lãnh đạo TP Hà Nội đề cập đến là áp dụng thẻ vé điện tử trên nhiều tuyến buýt.
"Tổng công ty Vận tải Hà Nội phải là đơn vị tiên phong trong việc đổi mới hình thức quản lý, giao dịch trên lĩnh vực vận tải hành khách công cộng. Cần áp dụng công nghệ trên tất cả các đầu công việc. Trong quá trình triển khai, có gì khó khăn, vướng mắc gì cần báo cáo thành phố xem xét, tháo gỡ", ông Nguyễn Mạnh Quyền nói.
Liên quan đến vấn đề bến bãi, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu đơn vị chủ động ứng dụng công nghệ, đề xuất các giải pháp quản lý, xây dựng bãi đỗ xe theo hướng xã hội hóa để thu hút được nhiều thành phần xã hội tham gia, nâng cao hiệu quả sử dụng.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu hình thức triển khai bãi đỗ xe kết hợp trung tâm thương mại, khách sạn để tìm hướng ra cho việc đầu tư bãi đỗ xe, nhằm giải quyết nhu cầu về giao thông tĩnh trên địa bàn thành phố.
Trước đó, báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Nam - Tổng Giám đốc Transerco - thông tin, bằng các giải pháp đồng bộ, chất lượng vận tải hành khách công cộng của công ty đã cải thiện rõ rệt thể hiện qua 1.037 thông tin khen ngợi từ khách hàng qua tổng đài chăm sóc khách hàng, gấp gần 19 lần so với năm 2022.
"Số lượt phản ánh giảm 31% so với cùng kỳ và được kiểm soát theo mục tiêu đề ra. Sản lượng hành khách tăng trưởng so với năm trước. Thực hiện cả năm 2023, Tổng công ty đã vận hành hơn 3,8 triệu lượt xe, đạt 98,5% khách hàng đấu thầu - đặt hàng, vận chuyển trên 227,6 triệu lượt hành khách, tăng 35% so với năm 2022, sản lượng khách vận chuyển ước đạt 58% sản lượng toàn mạng", ông Nguyễn Thành Nam nói.
Với nhiệm vụ công tác trong năm 2024, Tổng Giám đốc Transerco cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá tổng thể các tuyến xe buýt, đề xuất xây dựng phương án tối ưu theo hướng tinh gọn, tiết kiệm nguồn lực để nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của Nhân dân.
Đặc biệt, tổng công ty sẽ xây dựng và báo cáo UBND TP, Sở GTVT TP Hà Nội đề án chuyển đổi sang phương tiện sử dụng năng lượng xanh theo chỉ đạo của Trung ương, UBND TP.
Đồng thời, theo ông Nam, Transerco sẽ xây dựng kế hoạch, giải pháp ứng dụng thẻ vé điện tử liên thông trên toàn bộ hệ thống xe buýt của tổng công ty sau khi có kết quả thí điểm, đồng thời xây dựng phương án sắp xếp lại lao động sau khi chuyển sang áp dụng vé điện tử.