Theo Điều 472 Bộ luật Dân sự, hợp đồng thuê tài sản (trong đó có hợp đồng thuê nhà) là sự thỏa thuận giữa các bên. Bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn. Hợp đồng thuê tài sản có thể thể hiện dưới nhiều hình thức như hợp đồng miệng, hợp đồng bằng văn bản và hợp đồng có công chứng hoặc chứng thực.
Do đó, việc người thuê sử dụng nhà vào việc phạm pháp, chủ nhà có phải liên đới chịu trách nhiệm hay không phụ thuộc vào 2 yếu tố chủ quan và khách quan.
Yếu tố chủ quan:Nếu trường hợp chủ nhà biết việc người khác thuê sử dụng vào mục đích vi phạm pháp luật mà vẫn cho thuê thì chủ nhà sẽ bị liên đới chịu trách nhiệm.
Ví dụ, nếu người thuê dùng nhà này làm nơi mua bán, sử dụng ma túy thì người cho thuê nhà có thể bị xử lý về tội “Chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy”. Hoặc nếu người thuê dùng nhà để tổ chức đánh bạc thì người có nhà cho thuê có thể bị áp dụng tội “Gá bạc”…
Yếu tố khách quan:Nếu người cho thuê nhà không biết người thuê sử dụng nhà của mình để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Ví dụ, người thuê sử dụng nhà để buôn bán ma túy thì người thuê phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, người cho thuê không bị liên đới.
Cần lưu ý, trong trường hợp người có nhà cho thuê phát hiện ra hành vi phạm tội của người thuê nhà tại căn nhà mình cho thuê thì cần chủ động, tích cực phối hợp các cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Như vậy, để đảm bảo không liên đới chịu trách nhiệm, người có nhà cho thuê cần có hợp đồng bằng văn bản với điều kiện rõ ràng với người thuê nhà.