Từ đầu tháng 10/2023 đến nay, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng chỉ đạo các phòng ban chuyên môn xây dựng kế hoạch, phối hợp với các địa phương, đơn vị đồng loạt tổ chức các hoạt động tuyên truyền phân loại rác thải tại nguồn với sự tham gia của hơn 5.400 người.
Cụ thể, tại quận Hồng Bàng (Hải Phòng), Ban truyền thông môi trường đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn phân loại tác tại nguồn tại các nhà hàng, quán ăn, quán café trên các tuyến đường Quang Trung.
Tại các quận: Ngô Quyền, Lê Chân, Hải An, Hồng Bàng (Hải Phòng), Ban truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn và ra mắt mô hình phân loại rác thải tại nguồn tại một loạt tổ dân phố, các nhà hàng, quán cafe trên tuyến đường Võ Thị Sáu; tuyến đường Nguyễn Trãi, đường Lạch Tray...
Ban tuyền thông Công ty cũng đã phối hợp với Đài Truyền hình địa phương thực hiện phóng sự phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn thành phố; phối hợp với Sở Tài nguyên & Môi trường tổ chức hội nghị tuyên truyền, hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn tại xã Đại Đồng (Kiến Thụy).
Theo đại diện Công ty Môi trường Đô thị Hải Phòng, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt ngay tại nguồn phát sinh có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giảm thiểu chi phí xử lý chất thải. Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã quy định việc phân loại và chế tài xử lý hành vi không phân loại chất thải rắn sinh hoạt.
Theo quy định, phân loại chất thải rắn sinh hoạt là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình. Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân sẽ phân loại theo nguyên tắc như sau: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.
Đối với hộ gia đình, cá nhân ở đô thị phải chứa, đựng CTRSH sau khi thực hiện phân loại phải lưu giữ vào các bao bì riêng theo từng loại và chuyển giao cho các tổ chức cá nhân có chức năng tương ứng; chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi…
Đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại phải thực hiện quản lý như sau: Khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi; Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng; tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
Chất thải thực phẩm nếu không được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc làm phân bón hữu cơ phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; Chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
Đối với bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt, bao bì đựng các loại chất thải rắn sinh hoạt khác nhau có màu sắc khác nhau; bao bì đựng chất thải thực phẩm có màu xanh, bao bì đựng chất thải rắn sinh hoạt khác có màu vàng. Trong trường hợp cần thiết, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể quy định màu sắc khác, bảo đảm đồng bộ, thống nhất trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, theo quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP, hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Nghị định cũng quy định các mức xử phạt cụ thể đối với một số hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường nơi công cộng, khu đô thị, khu dân cư: phạt tiền từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.
Phạt tiền từ 150.000 đồng - 250.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.
Phạt tiền từ 500.000 đồng - 1.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng - 2.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối.