Thuế thu nhập cá nhân (Personal income tax) là khoản tiền mà người có thu nhập phải trích nộp trong một phần tiền lương, hoặc từ các nguồn thu khác vào ngân sách nhà nước sau khi đã được giảm trừ. Thuế thu nhập cá nhân không đánh vào những cá nhân có thu nhập thấp, do đó, khoản thu này sẽ công bằng với mọi đối tượng, góp phần làm giảm khoảng cách chênh lệch giữa các tầng lớp trong xã hội.
Có 2 đối tượng phải nộp thuế thu nhập cá nhân: Cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú tại Việt Nam có thu nhập chịu thuế. Cụ thể, với cá nhân cư trú, thu nhập chịu thuế là khoản phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam (không phân biệt nơi trả thu nhập). Với cá nhân không cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh tại Việt Nam (không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập).
Căn cứ khoản 1 Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản của các đối tượng sau đây sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân:
1. Vợ với chồng.
2. Cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ.
3. Cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi.
4. Cha chồng, mẹ chồng với con dâu.
5. Cha vợ, mẹ vợ với con rể.
6. Ông nội, bà nội với cháu nội.
7. Ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại.
8. Anh, chị, em ruột với nhau.
Căn cứ khoản 1 Điều 4 Nghị định 65/2013/NĐ-CP, bất động sản được nêu ở trên bao gồm cả nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản. Như vậy, nếu bán nhà đất cho người thân (thuộc các trường hợp nêu trên) sẽ không phải đóng thuế thu nhập cá nhân.
Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 65/2013/NĐ-CP, thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở của cá nhân trong trường hợp người chuyển nhượng chỉ có duy nhất một nhà ở, quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam được miễn thuế thu nhập cá nhân.
Cá nhân chuyển nhượng có duy nhất một nhà ở, quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam theo quy định tại khoản này phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Tại thời điểm chuyển nhượng, cá nhân chỉ có quyền sở hữu, quyền sử dụng một nhà ở hoặc một thửa đất ở (bao gồm cả trường hợp có nhà ở hoặc công trình xây dựng gắn liền với thửa đất đó).
- Thời gian cá nhân có quyền sở hữu, quyền sử dụng nhà ở, đất ở tính đến thời điểm chuyển nhượng tối thiểu là 183 ngày.
- Nhà ở, quyền sử dụng đất ở được chuyển nhượng toàn bộ.
Việc xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng nhà ở, đất ở căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng nhà ở, đất ở. Cá nhân có nhà ở, đất ở chuyển nhượng có trách nhiệm kê khai và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của việc kê khai. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền phát hiện kê khai sai thì không được miễn thuế và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Việc bán nhà cho người thân cũng mang lại những lợi ích và rủi ro nhất định. Lợi ích là giao dịch thường có sự thỏa thuận dễ dàng về giá cả, đôi khi ưu đãi hoặc không theo giá thị trường. Do có quan hệ thân thiết, các bên thường dễ dàng hơn trong quá trình chuẩn bị hồ sơ và thực hiện thủ tục.
Rủi ro, mặc dù ít xảy ra, nhưng tranh chấp có thể nảy sinh sau này nếu không rõ ràng về quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi bên. Bất kể là người thân, nếu không thuộc diện miễn thuế theo quy định của pháp luật, bạn vẫn phải thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ.
Do đó, khi bán nhà cho người thân cần lưu ý,giữ sự rõ ràng trong tất cả các thỏa thuận và điều khoản hợp đồng. Chắc chắn hiểu rõ về các quy định pháp luật liên quan để tránh các hậu quả pháp lý không mong muốn. Có thể tìm đến luật sư hoặc chuyên gia thuế để được tư vấn chi tiết hơn về các quyền lợi và nghĩa vụ thuế.
Mặc dù việc bán nhà cho người thân có thể mang lại một số lợi ích nhất định, nhưng vẫn cần thực hiện theo đúng quy định pháp luật về thuế thu nhập cá nhân. Điều này không chỉ giúp bạn tránh được các rắc rối pháp lý mà còn bảo vệ quyền lợi một cách tốt nhất cho tất cả các bên liên quan. Hãy luôn cẩn trọng và minh bạch trong mọi giao dịch để giữ vững mối quan hệ tốt đẹp với người thân.