Ông Phạm Hoài Trung, Trưởng ban Vận động Net to Zero 2050, phát biểu tại hội thảo “Sản xuất bền vững hướng đến tăng trưởng xanh”, cho rằng cần phải chuyển đổi tất cả các lĩnh vực sang chuyển đổi xanh để hướng đến phát triển bền vững.
Theo ông Trung, chuyển đổi, phát triển dựa trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường.
Để làm được điều này cần thực hiện theo từng lộ trình cụ thể như: Phân tích xác định bối cảnh, đưa ra lộ trình cho doanh nghiệp chuyển đổi phát triển bền vững, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về tiết kiệm năng lượng, mở rộng nhà sản xuất.
Chúng ta cần tận dụng các công nghệ tiên tiến để thực hiện mô hình phát triển bền vững như ứng dụng IoT, Bigdata, AI, Digital Twin, Real time… vào quá trình chuyển đổi.
Tại Việt Nam, các nhà sản xuất nhập khẩu cũng đã chủ động mở rộng sản xuất, thay đổi theo hướng tiết kiệm nhiên liệu, sử dụng vật liệu thân thiện môi trường và thành lập Liên minh tái chế bao bì Việt Nam – PRO Việt Nam vào năm 2021.
Hơn hai năm qua, PRO Việt Nam đẩy mạnh hỗ trợ các hoạt động ở nhiều lĩnh vực, bao gồm nâng cao nhận thức người tiêu dùng về tái chế và phân loại rác, làm vững mạnh hệ sinh thái thu gom bao bì sẵn có, hỗ trợ các chương trình tái chế của nhà máy xử lý và các nhà máy sản xuất nguyên liệu tái chế.
Ông Trần Hữu Dũng, Giám đốc Công ty QTSC cho biết, QTSC luôn định vị là khu đô thị xanh - thông minh sẽ cam kết thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi kép thông qua việc tăng cường các hoạt động bảo vệ môi trường và xã hội.
Trong đó, đơn vị đầu tư vào công nghệ xanh, xây dựng hạ tầng đô thị xanh, tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm với cộng đồng doanh nghiệp.
Trước đó, tại hội thảo “Sản xuất bền vững hướng đến tăng trưởng xanh” được Công ty TNHH MTV Phát triển công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) và Trung tâm hỗ trợ và Tư vấn chuyển đổi số TPHCM (DXCenter) tổ chức sáng 26/3, đã chia sẻ kinh nghiệm về tầm quan trọng của việc xây dựng, thực hiện các mô hình sản xuất xanh và phát triển kinh tế bền vững.
Đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông… cùng những tác động mang tính chu kỳ của tiến trình tăng trưởng phát triển, Việt Nam đang nỗ lực tái cơ cấu kinh tế với các mục tiêu “xanh”, hoàn thiện hành lang pháp lý và chính sách phục vụ cho chuyển đổi xanh.