Liên quan đến vấn đề này, cử tri thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan giám sát chặt chẽ việc kiểm tra định kỳ khí thải của nhà máy ở các khu công nghiệp và phương tiện giao thông.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại Điều 97, Điều 98 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đã quy định cụ thể về việc quan trắc môi trường định kỳ, tự động liên tục đối với nước thải, khí thải của dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bao gồm các hoạt động sản xuất liên tục và sản xuất theo thời vụ.
Theo đó, Nghị định đã quy định cụ thể về các thông số, tần suất giám sát tương ứng với các loại hình sản xuất. Kết quả quan trắc nước thải định kỳ, quan trắc nước thải tự động, liên tục được sử dụng để theo dõi và đánh giá hiệu quả, sự phù hợp của công trình xử lý nước thải, sử dụng để kê khai và nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (nếu có).
Nghị định cũng đã quy định trách nhiệm cụ thể của cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động tự quan trắc định kỳ, quan trắc tự động, liên tục. Trường hợp phát hiện thông số giám sát vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường sẽ thực hiện thông báo cho chủ dự án, cơ sở để thực hiện các biện pháp khắc phục. Nếu tiếp tục vi phạm sẽ xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Trường hợp chủ dự án, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp báo cáo số liệu không đúng thực tế ô nhiễm hoặc có vi phạm về hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường (bao gồm cả các trường hợp được miễn thực hiện quan trắc nước thải định kỳ), chủ dự án, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp phải bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật và thực hiện các biện pháp khắc phục.
Mặt khác, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP cũng quy định cụ thể trách nhiệm của chủ dự án, cơ sở trong việc công khai thông tin kết quả quan trắc chất thải định kỳ, tự động, liên tục để người dân dễ dàng tiếp cận và kiểm tra, giám sát hoạt động xả chất thải của doanh nghiệp. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với 63 địa phương triển khai cài đặt, chuyển giao và hướng dẫn sử dụng phần mềm tiếp nhận dữ liệu quan trắc chất thải tự động, liên tục do các cơ sở truyền về để thống nhất thực hiện trên phạm vi cả nước.
Luật hóa quy định kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy
Đối với việc kiểm định, kiểm tra định kỳ khí thải của các loại phương tiện giao thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện tại vấn đề này do Bộ Giao thông vận tải chủ trì thực hiện thông qua các hệ thống trạm đăng kiểm trên phạm vi cả nước và thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan, trong đó có Luật Giao thông đường bộ.
Riêng đối với việc kiểm tra định kỳ khí thải của phương tiện xe mô tô, xe gắn máy lưu hành ở Việt Nam, từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 909/QĐ-TTg ngày 17/6/2010 phê duyệt đề án “Kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố”.
Theo đó, để thực hiện Quyết định số 909/QĐ-TTg thì việc kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông cần gắn với quy định về kiểm định, kiểm tra khí thải xe mô tô, xe gắn máy, tuy nhiên nội dung này chưa được quy định trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 làm cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện.
Vì vậy, ngày 19/01/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản số 566/VPCP-CN chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải tiếp tục nghiên cứu quy định về áp dụng tiêu chuẩn khí thải và quy định về kiểm định khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy trong quá trình xây dựng Luật Giao thông đường bộ sửa đổi.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến nay Bộ Giao thông vận tải đã triển khai rà soát bổ sung quy định về kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy trong quá trình xây dựng Luật Giao thông đường bộ sửa đổi và đã trình Quốc hội xem xét thông qua trong thời gian tới đây làm cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện việc kiểm tra khí thải phương tiện xe mô tô, xe gắn máy lưu hành ở Việt Nam.