Nguyễn Kiến Hào (SN 2004, Bình Phước) đang là sinh viên năm hai chuyên ngành Quản trị kinh doanh, trường Đại học Tài chính - Marketing (TP.HCM). Sinh ra trong kỷ nguyên công nghệ bùng nổ, thế hệ Gen Z như Hào sớm đối mặt với những áp lực về ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Kiến Hào quyết tâm đấu tranh vì tương lai của chính mình và cộng đồng.
“Trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, việc sử dụng túi nilon là nhu cầu không thể thiếu, nhưng nhiều người lạm dụng vô tội vạ, không kiểm soát túi nilon khiến lượng rác thải tăng lên nhanh theo từng năm. Túi nilon có thời gian phân hủy rất lâu, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người và các loài sinh vật khác”, nam sinh viên nói và bày tỏ việc tìm ra loại túi nilon thân thiện với môi trường là vô cùng cần thiết.
Vốn đam mê khoa học, Hào lên mạng tìm đọc các tài liệu, báo cáo khoa học liên quan, thu thập kiến thức trước khi bắt tay vào thực hiện ý tưởng.
Sản phẩm túi nilon của Hào được làm từ hai loại tinh bột: tinh bột sắn và tinh bột đậu. Tinh bột sẽ được trộn cùng nước, glixerol cùng một số chất khác theo tỷ lệ nhất định, sau đó được nấu ở nhiệt độ 90 độ C đến khi hỗn hợp trong lại. Tiếp đến sẽ đổ hỗn hợp ra khuôn và phơi khô để tạo thành lớp màng.
Ở công đoạn cuối, Kiến Hào dùng máy ép để tạo thành các bọc nilon. Tất cả các công đoạn để sản xuất ra thành phẩm đều được nam sinh thực hiện thủ công.
Thử nghiệm trước mắt của Hào cho thấy, túi có thể đựng được khối lượng lên tới 10kg, đảm bảo không bị rách. Tuy nhiên, vấn đề khiến nam sinh viên trường Đại học Tài chính - Marketing trăn trở là sản phẩm chỉ đựng được đồ khô, dễ bị thủng, rách hoà tan khi gặp nước. Đây cũng là nhược điểm duy nhất mà Hào đang tìm hướng cải thiện trước khi đưa đến với người tiêu dùng.
“Với kiểu dáng tương tự túi nilon thông thường, túi nilon làm từ tinh bột được xem như là sản phẩm thay thế hiệu quả, giúp bảo vệ môi trường sống, đồng thời đáp ứng được nhu cầu sử dụng túi đựng thực phẩm của người tiêu dùng", Kiến Hào nói và khẳng định thêm, thời gian phân hủy của sản phẩm được làm từ tinh bột nhanh hơn gấp nhiều lần so với những loại bao bì có trên thị trường hiện nay.
Chàng sinh viên 2k4 cho hay, sau khi sử dụng, túi nilon làm từ tinh bột có thể trở thành thức ăn cho các loài động vật hoặc đem trồng cây. Thậm chí con người có thể ăn trực tiếp vì trong sản phẩm đều chứa các thành phần lành tính.
Ước mơ đem đến cho xã hội những giá trị bền vững, Kiến Hào bày tỏ nếu sản phẩm túi nilon từ tinh bột thành công và nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng. Nam sinh đặt mục tiêu tiếp tục tìm hiểu và nghiên cứu các sản phẩm xanh bảo vệ môi trường.
“Từ lúc bắt tay vào làm dự án, em có quyết tâm sẽ theo đến cùng, vì mình hiểu những giá trị mà dự án sẽ mang lại cho cộng đồng và cho môi trường”, nam sinh viên gửi gắm, đôi khi bảo vệ môi trường không phải là điều gì quá to tát, mà thông qua những việc nhỏ nhất như thay đổi thói quen dùng túi nilon, hạn chế xả rác thải nilon.