Không biết từ khi nào, việc đón xem một cuộc thi hoa hậu ở Việt Nam từ công đoạn rục rịch tổ chức cho đến khi người chiến thắng lộ diện lại trở nên oái ăm như thời điểm này. Sau tất cả, có phải do việc cởi trói NĐ - 144 đã dẫn đến hệ lụy chồng chất hệ lụy như ngày hôm nay.
Có một điều rất thú vị giữa công cuộc chạy đua nhan sắc ở Việt Nam so với các nước trên thế giới đó là: Chúng ta đang thừa hoa hậu, dư hoa khôi nhưng vẫn không tìm được người đi thi quốc tế chỉ vì vướng "giấy tờ" hay còn gọi là chủ sở hữu. Hàng loạt hoa hậu mọc lên - họ có nhan sắc, có danh hiệu, có tất cả mọi thứ nhưng họ không có "đơn vị nắm giữ bản quyền" cử đi thi.
Câu hỏi to đùng mà từ năm 2022 đến này chúng ta vẫn tự đặt ra chưa có lời giải đáp chính là các công ty truyền thông rất muốn tổ chức nhiều cuộc thi hoa hậu trong một năm nhưng không nghĩ ra tên gọi vì sợ bị trùng. Sân chơi sắc đẹp này chưa kết thúc thì đơn vị khác đã nhanh tay chen chân một đẻ ra "đứa con tinh thần" để cạnh tranh. Mà hình thức đối đầu này hơn thua ở chỗ: Ai đăng kí bản quyền sở hữu trước thì người đó thắng.
Giữa cơn hỗn loạn hoa hậu xô bồ nhưng điều mà chúng ta thèm khát chính là thứ hạng nhan sắc Việt trên bản đồ sắc đẹp thế giới hay nói cách khác chính là thương hiệu Việt không bi trộn lẫn. Theo lời ông Vương Duy Biên - Thứ trưởngBộ VH-TT&DL đã từng ẩn ý: "Hiện nay các cuộc thi người đẹp, người mẫu đang rất sôi động. Bên cạnh những mặt tốt của những cuộc thi, người đẹp đóng góp cho xã hội thì còn nhiều người lợi dụng chuyện này để làm thương mại kiếm tiền. Các công ty đứng ra tổ chức chỉ nhằm mục đích kiếm tiền mà không mấy tập trung đến mục đích cao cả là tôn vinh cái đẹp. Cái đó giờ không chỉ là loạn tên gọi nữa mà loạn cả thương hiệu".
Mục đích của các cuộc thi hoa hậu là để phục vụ nhu cầu thưởng thức cái đẹp của số đông nhưng vô tình việc loạn tên gọi như thời điểm này chính khán giả lại là người phải mất thời gian để đi tách bóc từng từ trong tên gọi cuộc thi hoa hậu. Khi nó "yên vị" ở tên tiếng Anh thì không cần phải bàn cãi nhưng chuẩn hóa tiếng Việt như thế nào cho đúng mới là vấn đề.
Miss có nghĩa là hoa hậu hay hoa khôi?
Chúng ta vẫn luôn quan tâm tới việc phải dịch từ World cho đúng nghĩa là Thế giới, International là Quốc tế, Earth với nghĩa Trái Đất và Universe tạm gọi là Hoàn vũ nhưng không ai nghĩ rằng từ khóa cần phải được đưa nó về đúng với tầm cỡ chính là từ Miss. Theo thói quen, bất kì một cuộc thi hoa hậu, hoa khôi nào dành cho nữ giới (Không tính cuộc thi dành cho quý bà) hầu hết đều được gọi là Miss - có nghĩa là Hoa hậu.
Vậy nếu cuộc thi Hoa khôi đồng bằng Sông Cửu Long - sân chơi mà Nam Em từng đăng quang vào năm 2015 được nâng cấp thành Hoa hậu Đồng bằng Sông Cửu Long thì vẫn sử dụng một tên gọi tiếng Anh là Miss Mekong Delta? Trong khi đó, quy mô của cuộc thi hoa khôi nó nhỏ hơn cuộc thi hoa hậu.
Đơn cử như cuộc thi Hoa khôi Áo dài Việt Nam - Đường tới vương miện Hoa hậu Thế giới 2014, cuộc thi mà CEO Miss Universe Vietnam Lan Khuê từng đăng quang khi dịch sang tiếng Anh vẫn là Miss Ao Dai - Road to the Miss World. Nhưng rõ ràng, không ai gọi Lan Khuê là hoa hậu, thậm chí cô từng đại diện Việt Nam tham dự Miss World và lọt Top 11 nhưng cô cũng bị liệt vào danh sách dưới cơ của "chánh cung".
Trường hợp tương tự, Việt Nam có cuộc thi Hoa hậu Du lịch Việt Nam (Cô gái đang đương nhiệm là Lương Kỳ Duyên) nhưng trước đó chúng ta có cuộc thi Hoa khôi Du lịch Việt Nam (mùa giải không tên ra hoa hậu mà chỉ có 2 á khôi). Nhưng khi dịch sang tiếng Anh ở các poster quảng cáo cũng dùng chung một tên gọi Miss Tourism Vietnam.
Miss Grand hay Miss Peace: Tranh chấp hòa bình trong thời bình
Đỉnh điểm của việc trùng tên gọi khiến báo chí tốn rất nhiều bút mực chính là cuộc đụng độ giữa Miss Grand Vietnam - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022 (Công ty Sen Vàng) và Miss Peace Vietnam 2022 (Công ty Minh Khang). Hai bên liên tục tung bằng chứng bảo vệ quyền hợp pháp của mình và khẳng định khán giả hãy nhìn rộng ra bởi hai cuộc thi tên tiếng Anh khác nhau, với những tiêu chí khác nhau và dịch ra tiếng Việt như thế nào tuỳ thuộc vào sự yêu thương của khán giả dành cho cuộc thi.
Cái lợi thế của Sen Vàng chính là gà cưng Thùy Tiên vừa đăng quang Miss Grand International 2021 và họ đang nắm trong tay bản quyền cử đại diện Việt Nam tham dự Miss Grand International cũng như tên tiếng Việt mà họ đăng kí chủ sở hữu ban đầu là Hoa hậu Hòa bình Việt Nam. Thời điểm đó, bà trùm hoa hậu Phạm Kim Dung từng nói:"Mục đích chúng tôi đồng ý cho Tiểu Vy làm ban giám khảo Miss Peace Vietnam - Hoa khôi Hòa bình Việt Nam là để giúp cuộc thi tìm kiếm người chiến thắng và tham dự sân chơi lớn hơn như Hoa hậu Hòa bình Việt Nam, đó cũng là ngụ ý ban đầu của phía công ty Minh Khang".
Vẫn là câu chuyện, "ai nhanh tay hơn người đó thắng" và rõ ràng Miss Grand Vietnam đã chiếm ưu thế và đơn thân độc mã sử dụng gọi tiếng Anh lẫn tiếng Việt như đã đăng kí chủ sở hữu. Ngược lại, phía Miss Peace Vietnam trở thành cuộc thi hoa hậu duy nhất ở Việt Nam không có tên gọi tiếng Việt.
Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam đối đầu với Miss Universe Vietnam
Sau khi mất bản quyền cử đại diện Việt Nam tham dự Miss Universe, phía UniMedia đã có động thái vô cùng nhân văn khi chỉ sử dụng tên gọi bằng tiếng Việt là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam và tiến hành thay toàn bộ hình hiệu, thông tin sau khi kết thúc hợp tác.
Tuy nhiên, đơn vị sở hữu Miss Universe đã phát thông cáo báo chí với nội dung khẳng định, thỏa thuận cấp phép của Unicorp với cuộc thi Miss Universe, (ký ngày 14/3/2022) đã hết hạn vào ngày 15/1/2023 - 1 ngày sau khi Miss Universe 2022 kết thúc: "Cần lưu ý là giấy phép sử dụng tất cả tài sản trí tuệ của Unicorp đã hết hạn và không được gia hạn sau đó, mặc dù họ đã nộp đơn xin giấy phép năm 2023. Chúng tôi khẳng định rằng, chúng tôi là chủ sở hữu hợp pháp của thương hiệu Miss Universe Vietnam - Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam".
Giữa tâm bão chỉ liên quan đến từ khóa Universe - Hoàn vũ, ông Bảo Hoàng khẳng định: "Chúng tôi cũng một lần nữa phản hồi và khẳng định, việc bảo hộ của tổ chức Miss Universe tại Việt Nam chỉ bao gồm tên thương hiệu và nhãn hiệu Miss Universe. Trong khi đó, suốt 15 năm qua, cuộc thi Hoa hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam được tổ chức độc lập tại Việt Nam, hoàn toàn không thuộc phạm vi bảo hộ và sở hữu của tổ chức Miss Universe/JKN Global.
Việc kí kết của đơn vị nắm bản quyền mới và JKN Global chỉ bao gồm việc sở hữu bản quyền cử đại diện Việt Nam đến Miss Universe và thương hiệu Miss Universe Vietnam, không bao gồm thương hiệu Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam - một thương hiệu độc lập với tổ chức Miss Universe".
Mọi việc sẽ êm đẹp chỉ cần từ Universe được đổi thành một tên gọi khác: Hoa hậu vũ trụ Việt Nam. Miễn sao nó không liên quan gì đến từ khóa "Hoàn vũ". Nói đi vẫn lại nói lại, tên gọi cuộc thi hoa hậu ở Việt Nam - phải chuẩn hóa như thế nào cho đúng?