VKSND TP.HCM vừa trả hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM, yêu cầu điều tra bổ sung vụ việc hệ thống cửa hàng xe máy Tân Tiến bị cáo buộc "phù phép" xe gian thành xe mới để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, Công an TP.HCM phát thông báo đề nghị các cá nhân từng bị các đối tượng thuộc cửa hàng Tân Tiến lừa đảo nhanh chóng liên hệ với Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC01) Công an TP.HCM để làm việc.
Công an TP.HCM cho biết, thời hạn tiếp nhận thông tin và làm việc sẽ kết thúc vào ngày 25/12/2024. Sau thời hạn này, nếu không liên hệ, cơ quan điều tra sẽ không có cơ sở để xem xét giải quyết các quyền lợi, nghĩa vụ và vấn đề pháp lý liên quan đến xe bị mài, đục số khung, số máy khi vụ án kết thúc điều tra. Người dân có liên quan cần khẩn trương cung cấp thông tin để đảm bảo quyền lợi và hỗ trợ quá trình điều tra vụ án.
Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố bị can Bùi Văn Tân (41 tuổi, chủ hệ thống cửa hàng xe máy Tân Tiến) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Mua bán tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Theo hồ sơ vụ án, từ năm 2018 đến tháng 12/2023, Bùi Văn Tân thành lập 4 cơ sở kinh doanh xe máy, gồm: Cửa hàng xe máy Tân Tiến (xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh), cửa hàng xe máy Tân Tiến 2 (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn), Công ty TNHH xe máy Thảo Vân (phường Tân Thới Nhất, Quận 12) và Công ty TNHH mua bán xe máy Lâm Tới (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương).
Cuối năm 2021, nhận thấy nhiều xe máy không giấy tờ xuất hiện trên thị trường, Tân đã nảy sinh ý định thu mua các xe không rõ nguồn gốc này, rồi thuê người mài đục số khung, số máy cho phù hợp với thông tin trên phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng từ các công ty xuất nhập khẩu xe máy.
Tân thỏa thuận thuê Nguyễn Hữu Oai và Nguyễn Hữu Như mài đục số khung, số máy với mức tiền công 1 triệu đồng/xe. Đồng thời, Tân cũng mua lại các phiếu kiểm tra chất lượng xe với giá từ 500.000 đến 1 triệu đồng/phiếu từ Nguyễn Đình Sùng, Nguyễn Thị Kiều Oanh và Nguyễn Sỹ Toàn.
Ngoài ra, Tân thu mua xe máy không rõ nguồn gốc từ Lê Văn Tới với giá từ 18 - 22 triệu đồng/xe tùy loại. Sau khi xe được chuyển về cửa hàng, nhân viên của Tân tiếp nhận và chụp hình số khung, số máy gửi lên nhóm chat để quản lý.
Tân sau đó chỉ đạo Trần Văn Sậu và Hà Xuân Phúc tháo biển số cũ và đưa xe đến chỗ của Oai và Như để mài đục, thay đổi số khung, số máy. Sau khi hoàn tất, xe được đưa về cửa hàng để vệ sinh, tân trang lại trước khi rao bán trực tuyến hoặc trưng bày.
Những xe đã qua chỉnh sửa được giới thiệu với khách hàng là "xe lướt, bao rút hồ sơ, bao giấy tờ". Khi có khách mua, nhân viên của Tân sẽ lấy số khung, số máy do Oai và Như cung cấp sẵn, sau đó làm thủ tục đăng ký xe và thuê "cò dịch vụ" tại địa phương của khách hàng để cấp biển số mới.
Với phương thức này, từ năm 2021 đến khi bị phát hiện, Bùi Văn Tân khai đã mua 1.500 phiếu kiểm tra chất lượng và bán hơn 300 xe máy đã qua chỉnh sửa cho khách hàng. Cơ quan điều tra đã thu giữ 259 xe và xác định Tân chiếm đoạt tổng cộng 9,3 tỷ đồng từ 258 bị hại. Các bị hại yêu cầu Tân và đồng phạm bồi thường số tiền đã chiếm đoạt, tuy nhiên đến nay Tân chỉ mới khắc phục được cho một trường hợp với số tiền 39 triệu đồng.
Đối với các xe máy nghi vấn đã bị mài đục số khung, số máy nhưng chưa được thu hồi, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục xác minh, làm rõ.