【nhận định kèo real madrid】Giá xăng, giá gas giảm, giá hàng hóa vẫn đứng yên
Giá thịt heo không giảm sau khi giá xăng giảm liên tục. Trong ảnh: người dân mua thịt heo tại chợ Nguyễn Văn Trỗi, Q.3, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa |
Người tiêu dùng thêm một lần chịu thiệt.
Giá các nguyên liệu đầu vào như xăng, gas liên tục giảm thời gian qua, trong đó giá xăng đã giảm gần 2.000 đồng/lít so với tháng 5-2015, giá gas qua nhiều lần điều chỉnh còn 265.000 đồng/bình 12kg, giá này tương đương một nửa so với giá cao điểm của năm 2014.
Tuy nhiên, giá nhiều loại hàng hóa chưa giảm.
Giá vẫn đứng im
Tháng 5-2015, giá xăng ở mức 19.230 đồng/lít. Khi đó thịt heo mảnh giá sỉ tại chợ đầu mối là 62.000 đồng/kg, thịt đùi là 66.000 đồng/kg, thịt ba rọi là 80.000 đồng/kg. Khi về đến chợ lẻ, tùy từng chợ mà mức giá bán ra tương ứng là thịt đùi 75.000 đồng/kg, thịt ba rọi 115.000 - 125.000 đồng/kg.
Cho đến thời điểm này, giá xăng đã giảm liên tiếp 5 lần xuống còn 17.330 đồng/lít nhưng ghi nhận tại các chợ, giá các loại hàng hóa gần như không thay đổi.
Thông tin mới nhất của chợ đầu mối Bình Điền (Q.8, TP.HCM) cho thấy giá thịt heo đùi còn 60.000 đồng/kg, thịt ba rọi 82.000 đồng/kg và thịt nạc ở mức 70.000 đồng/kg. Ghi nhận tại chợ Bàn Cờ (Q.3), giá thịt heo ba rọi loại ngon vẫn ngấp nghé 125.000 - 130.000 đồng/kg, tức là không hề giảm so với tháng 5.
Chị Minh, tiểu thương chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), cho hay thịt heo gần như không chịu tác động gì từ giá xăng dầu. Chẳng hạn, chị lấy 300kg thịt heo tại chợ đầu mối Hóc Môn, loại thịt heo mảnh với mức giá từ 58.000 - 62.000 đồng/kg, mức giá này dao động tùy ngày. Sau khi đem về mổ xẻ để phân loại, hao hụt khoảng 20%.
“Chưa kể hôm nào lấy phải heo mỡ, lượng mỡ quá nhiều, khách chê là coi như hao hụt lớn hơn nhiều” - chị nói. Giá bán ra tùy loại niêm yết từ 75.000 - 120.000 đồng/kg, với mức giá bán ra như vậy thì chị Minh khẳng định lời chỉ dừng ở mức vài trăm ngàn đồng mỗi ngày.
Tương tự, trong chín tháng đầu năm giá gas liên tục điều chỉnh giảm sáu lần, đến nay giá gas đang duy trì ở mức thấp nhất trong khoảng ba năm lại đây. Hiện giá gas ở mức 265.000 đồng/bình 12kg, gần bằng một nửa so với thời điểm giá gas đạt nửa triệu đồng/bình năm 2014. Nhưng trưa 4-9, tại tiệm cơm trên đường C1 (P.13, Q.Tân Bình) tấp nập khách gồm công nhân, dân văn phòng tìm đến ăn sau giờ nghỉ trưa, giá các đĩa cơm vẫn dao động từ 20.000 - 25.000 đồng/đĩa.
Theo ông Huy - chủ quán ăn, mức giá này được áp dụng và duy trì từ đầu năm đến nay theo “giá thị trường”. Khi được hỏi giá phần ăn không điều chỉnh theo giá nguyên liệu đầu vào, ông Huy cho rằng giá phần cơm ngoài việc được tính với giá thịt cá, rau quả... còn dựa theo hàng loạt các loại giá như thuê mặt bằng, nhân công, điện nước nên khó giảm lắm!
“Thêm vào đó, quanh khu này quán ăn mọc càng nhiều, đâu cũng giá vậy, khách quen rồi. Mình cạnh tranh bằng cách chọn thực phẩm tươi sống, “đầy đặn” đĩa cơm cho khách là được rồi” - ông Huy nói.
Hàng ăn không bao giờ giảm
Anh Minh, nhân viên Công ty Mắt Bão, cho biết đã quen với mức giá này, cũng khó trông mong dịch vụ hàng quán giảm giá vì họ luôn có đủ lý do: “Đành chịu thôi, giá cơm lên rồi giữ giá luôn chứ có bao giờ chịu xuống. Họ nhìn nhau tăng giá đồng loạt nên không thể có chuyện cạnh tranh về giá để mình lựa chọn. Có chăng chỉ chọn quán đảm bảo an toàn thực phẩm, nấu ngon ngon chút vậy thôi!”.
Tương tự, chúng tôi ghé quán phở trên đường Hoàng Hoa Thám, Q.Tân Bình, ông Minh chủ quán thừa nhận trong sáu năm kinh doanh quán phở, giá chỉ lên chứ không giảm. Mức giá được điều chỉnh theo thời gian lần lượt từ 12.000 đồng lên 35.000 đồng/tô như hiện nay. Theo ông Minh, giá tô phở được nhích lên mỗi dịp đầu năm hoặc tranh thủ trong năm có đợt giá xăng, điện... tăng và neo lại ở mức giá đó chờ... tăng tiếp.
Lấy lý do giá xăng dầu, gas liên tiếp giảm để chất vấn việc sao không giảm giá bán, ông Minh cười xòa: “Mới đây, lương căn bản có quyết định tăng rồi đó!”. Ông Minh cũng thừa nhận giá nhiên liệu đầu vào giảm nên mỗi tô phở cũng lời thêm chút đỉnh, nhưng chi tiêu trong cuộc sống mỗi năm mỗi tăng như tiền ăn học con cái, giá thuê nhà... khiến “việc giảm giá rất khó, kiếm thêm đồng nào bớt khó cho mình chừng đó”.
Khảo sát tại một số quán ăn nhậu trên địa bàn Q.Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh... hầu hết đều giữ nguyên giá cũ. Cụ thể, khảo sát một số quán ăn nhậu dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng (Q.Gò Vấp) được mở gần hai năm nay, giá thành các món ăn đều được giữ như thời điểm khai trương.
Anh Long, chủ quán chuyên các món nướng Ngói (BBQ) tại đây, cho biết quán nhậu rủi ro lớn, việc tính toán giá cho mỗi món ăn không dễ thay đổi. “Lâu lâu mình làm chương trình giảm 10% giá, hoặc tặng đĩa trái cây nhỏ tráng miệng để giữ chân khách chứ giảm giá trên menu... phiền phức lắm!” - anh Long cho biết.
Người tiêu dùng chịu thiệt
Bà Thanh, chủ tiệm tạp hóa trên đường Lê Đức Thọ (Q.Gò Vấp), nói buôn bán đã lâu nhưng hiếm khi bà nhập hàng mà được thông báo giảm giá. “Vài năm trước có hãng sữa giảm giá nhưng không đáng kể, gần đây có dầu ăn giảm nhẹ, còn các mặt hàng mì gói, bánh kẹo, bột nêm... chưa thấy giảm. Mà các chú ấy chạy chương trình bằng cách tặng thêm sản phẩm, rồi tụi tui tự chia ra, chủ động giảm cho người mua chứ không giảm trực tiếp” - bà Thanh nói.
Theo giám đốc một công ty sản xuất thực phẩm chế biến, giá xăng giảm nhưng các nhà cung cấp vận chuyển cho công ty không giảm cước, hàng sản xuất ra vì thế cũng khó giảm theo. “Mức giảm giá xăng cũng chưa đủ bù đắp những chi phí khác đang biến động gần đây như giá điện, tỉ giá, chi phí nhân công...
Tuy nhiên, với giá xăng giảm hiện nay công ty có thể đưa ra mức giá tốt cho hàng hóa sản xuất vào cuối năm, vốn thường hay tăng” - ông này lý giải thêm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một số nhà sản xuất còn cho rằng nếu giảm giá hàng hóa, người tiêu dùng lại nghĩ hàng ế. Tâm lý đó ảnh hưởng rất nhiều đến thương hiệu sản phẩm nên thay vì giảm giá, nhà sản xuất sẽ làm chương trình nhiều hơn như tặng quà, tăng chiết khấu cho nhà phân phối để họ giảm giá cho người tiêu dùng...
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, trước đây chỉ cần giá xăng dầu tăng, ngay lập tức hàng hóa “té nước theo mưa”, tăng theo với lý do chi phí hàng vận chuyển về chợ tăng, nhà sản xuất cũng dựa vào đó tăng giá. Thế nhưng, khi giá xăng giảm liên tục thì tất cả đều im lặng, thiếu sự chia sẻ với người tiêu dùng. Người dân đã gánh thiệt thòi vì tác động trực tiếp của mặt hàng thiết yếu này, họ còn bị thiệt do giá hàng hóa tăng theo giá xăng dầu...
“Đáng ra giá xăng giảm nền kinh tế sẽ được hưởng lợi, vậy mà trong chuỗi này người tiêu dùng luôn bị thiệt thòi” - ông Long nói.
Dịch vụ ăn uống chỉ tăng giá Theo số liệu từ Cục Thống kê TP.HCM, bất chấp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm, chỉ số giá nhóm ăn uống ngoài gia đình trong rổ hàng hóa từ tháng 5 cho tới tháng 8-2015 chỉ tăng lên. Cụ thể, từ tháng 5 đến tháng 7, dù giá xăng và giá gas giảm nhưng các mặt hàng ăn uống vẫn giữ nguyên giá. Từ tháng 7 tới tháng 8, nhóm hàng này lại tiếp tục tăng giá thêm 0,21%. Đây cũng là nhóm có chỉ số tăng giá nhiều nhất trong rổ tính giá của đơn vị thống kê trong một năm. |