Bà Tám cũng không dám nhận rằng mình là người có từ tâm, nói thật là vậy! Đôi khi, đi lễ chùa bà Tám cũng công đức chút đỉnh. Đi chợ thấy người ăn xin cũng gửi chút tiền. Đi dạo phố thấy người bán vé số cũng góp may chút xíu. Nhưng toàn bộ chuyện đó, bà Tám tuyệt không dám nghĩ rằng mình là người từ tâm. Chỉ nghĩ là mình có dư dả chút xíu so với mấy người khó khăn thì san sẻ thôi, và, mình làm mấy chuyện đó mình cũng vui. Vậy nên, cái gì vui thì bà Tám làm, không câu nệ là chuyện thiện nguyện hay không.
Hôm qua, bà Tám đọc được cái bài báo nói về chuyện mấy cô bé thí sinh cuộc thi Hoa hậu bị những khách mời bình luận chê vụng về, thiếu tình cảm trong các hoạt động thiện nguyện được ghi hình trong khuôn khổ cuộc thi Hoa hậu Việt Nam đang diễn ra. Cụ thể theo Vnexpress đưa tin thì: “18 cô gái phía Bắc của Hoa hậu Việt Nam 2016 vừa tham gia dự án Người đẹp Nhân ái. Họ cùng ban tổ chức đến nhiều địa phương như Côn Đảo, Đăk Lăk, Thái Nguyên để tìm hiểu cuộc sống, hành động góp phần hỗ trợ những khó khăn, thiếu thốn của người dân.
Trong câu chuyện của thí sinh Nguyễn Hương Mỹ Linh tại khu 9, huyện Côn Đảo có sự xuất hiện của nhân vật Ngô Quang Hiếu. Vốn là thợ lặn tại Côn Đảo, một sự cố khiến anh không còn khả năng nghe và đi lại. Sau đó, vợ anh biệt tích hơn mười năm, để lại cho anh đứa con thơ. Anh Hiếu không cho phép bản thân trở thành gánh nặng của xã hội, tự tay đóng những thanh tre để tập vật lý trị liệu trong nhà. Êkíp của Mỹ Linh tặng anh món quà là bộ dụng cụ thể thao trong nhà. Cả trường quay lặng đi trước nụ cười rạng rỡ của anh Hiếu khi nói: “Có lẽ đêm nay, tôi sẽ mất ngủ”.
Theo dõi dự án, Hoa hậu Giáng My và nghệ sĩ Xuân Bắc cảm thấy tiếc vì họ chưa cảm nhận được cảm xúc của Mỹ Linh trong câu chuyện về nghị lực của nhân vật. Xuân Bắc cho rằng người đẹp quá xa cách với anh Hiếu. “Người ta ngồi xe lăn, còn em lại đứng ở một góc xa. Nếu em ngồi bệt xuống nghe anh ấy trò chuyện, tôi tin là hiệu ứng rất khác”, nghệ sĩ nói.
Các giám khảo khác cho rằng người đại sứ không chỉ mang đến món quà về mặt vật chất mà cần chuyển tải cảm xúc và tấm lòng của mình. Nhà báo Trác Thúy Miêu cho rằng Mỹ Linh thiếu năng lượng khi nói chuyện, dẫn đến việc không truyền cảm hứng đến người xem. Ngôn ngữ hình thể hạn chế cũng là một bất lợi với nữ thí sinh, theo Hoa hậu Giáng My. Tương tự là trường hợp của thí sinh Nguyễn Bảo Ngọc. Cô triển khai dự án tại chín trường học thuộc diện khó khăn ở tỉnh Gia Lai. Trong khi giao lưu, chơi đùa cùng các em và sắp xếp, sửa sang lại bàn ghế của lớp học, cô nhận ra nguồn điện ở đây thiếu thốn. Giáo viên của trường cho biết họ không dám giảng dạy vào mùa đông vì ánh sáng tự nhiên yếu, ảnh hưởng tới mắt của học sinh. Bảo Ngọc cùng êkip quyết định kéo đường dây điện để bảo đảm ánh sáng đầy đủ vào mùa động, họ còn lắp cả quạt máy trong các lớp học để làm mát vào mùa hè.
Tuy nhiên, trong phần giao lưu khi tiếp xúc với người dân lẫn thể hiện trước ống kính, Bảo Ngọc bị đánh giá là thiếu tự nhiên, như học thuộc lòng để trả bài. Nhà báo Trác Thúy Miêu nói: “Em đã phạm phải những điều ngô nghê đến ngỡ ngàng. Áp lực lên hình đã khiến em sử dụng từ ngữ khô khan và cảm xúc của em bị đông cứng”. Riêng diễn viên Chi Bảo đồng cảm với những lo lắng của thí sinh khi chưa quen với máy quay. Anh cho rằng chỉ cần “một khoảnh khắc thật thà là có thể cứu vớt toàn bộ va vấp”.
Rồi bà Tám kéo xuống dưới, đọc được những bình luận khá thú vị của bạn đọc, rằng: “Tập làm diễn viên à”hay “Vậy chương trình cần tấm lòng thật sự hay khả năng diễn sâu vậy?”hoặc “Tôi thấy kì sao đó. Ta quan tâm người dựa trên tâm của ta và dĩ nhiên không có một ai giống nhau mà đòi hỏi người khác như nọ như kia mới đúng. Và nói thật dù là ai thì tôi cũng thấy giả tạo chỉ là diễn hay hoặc dở”và “Diễn xuất cũng cần phải thông minh”.
Đọc hết tự dưng bà Tám trầm ngâm, nghĩ bụng: Có khi nào những việc mình đã từng làm mình đã thể hiện chưa đúng nên chưa lay động được lòng người xung quanh không? Rồi bà Tám cũng lại vụng nghĩ: Từ thiện là một điều gì đó được thực hiện từ một tâm hồn chân thật và thực tâm muốn làm. Việc làm từ thiện được nâng lên thành dự án là một điều đáng quý để có trước có sau chứ không phải là một chuyến thăm chớp nhoáng đến một trung tâm xã hội nào đó. Thế nhưng, việc “nâng tầm” như thế liệu có phải là ý của thí sinh không hay chỉ là những việc của cần của cuộc thi để “nâng tầm” hòng cạnh tranh và “thể hiện” giữa muôn vàn các cuộc thi sắc đẹp đang được mở ra?
Và, thêm nữa, những biểu hiện của các cô gái trong những chuyến đi này là cảm xúc thật của các cô ý hay chỉ đơn thuần là việc các cô ý cần phải làm để có danh hiệu “nhân ái” trong một cuộc thi? Nhân ái và từ thiện là công việc lâu dài và cả đời người chứ đâu chỉ là một phần thi như kiểu thi…áo tắm như vậy nhỉ? Rồi những đòi hỏi của những khách mời bình luận như thế liệu có phải là đang chấm điểm một cuộc thi tuyển chọn diễn viên không? Hay là người biểu hiện tốt nhất thì sẽ là người nhân ái nhất? Cuối cùng, bà Tám cũng lại nghĩ, khi mà cuộc thi kết thúc, những dự án dở dang liệu có được tiếp tục, liệu có ai kế thừa hay là đợi 2 năm nữa cho kì tiếp theo của cuộc thi theo kiểu “đến hẹn lại lên”?
Sau tất cả, nhân ái là từ tâm hay nhân ái là (từ) tâm điểm của cuộc thi để rồi sau đó khi cuộc thi hết thì cũng lại là từ (biệt) tăm? Mà hình như bà Tám cũng nghe phong thanh là có cô bé thí sinh nào đó bị “cư dân mạng” “bóc mẽ” là diễn kịch vì đi thu gom rác về nhặt hòng phục vụ mục đích ghi hình cho phần thi này thì phải? Chả biết thực hư sao nữa, thật là rối rắm quá!
Ôi khó quá, bỏ qua, bà Tám già rồi lẩm cẩm nghĩ ngợi lung tung!