Ở miền quê, khi nhà có con trai lớn, đi đâu cha mẹ cũng dò hỏi để tìm cưới dâu. Có khi phải cậy nhờ mai mối ngỏ lời; cũng có khi anh em xóm trên xóm dưới tình cờ gặp rồi kết sui luôn.
Tất nhiên, quá trình đó trải qua nhiều bước: từ chuyện ngỏ lời rồi qua nhà coi mắt đến đi chơi, nạp tài, đám nói, đám cưới, phản bái...
Mỗi nghi lễ có nhiều cung bậc, nhiều cảm xúc khác nhau. Sui miệng thì người ta có thể kết bất cứ lúc nào, lúc nhậu vào vài ly cao hứng thì ngoéo tay kêu sui; khi tỉnh lại, có khi mắc cỡ rồi tự xả sui. Chuyện sui miệng diễn ra một cách tự nhiên và cũng không ảnh hưởng gì lớn. Thực tế, chuyện kêu gọi anh sui, chị sui được xóm làng thừa nhận, hai gia đình có sự ràng buộc thật sự là vào ngày đám nói.
Theo đó, sau nghi thức lên đèn, nhận lễ vật đặt lên bàn thờ gia tiên, bên trai nhận dâu, bên gái nhận rể, hai nhà chính thức kết thành tình nghĩa sui gia. Từ lúc hai nhà coi nhau là sui gia chính thức cho đến khi hai trẻ nên vợ nên chồng, rồi sinh con đẻ cháu tình nghĩa sui gia nhiều nhà thêm bền chặt. Ấy vậy mà dân gian có câu: Anh em ngày một xa, sui gia ngày một gần!
Khi nghĩa thắm tình nồng
Lâu ngày, muốn qua thăm con, thì bên sui gái sắp xếp một ngày nào đó rồi chuẩn bị bẻ ít dừa tươi, dừa khô, chở theo thúng nếp làm quà rồi hai vợ chồng chèo ghe qua nhà sui trai, thăm con gái đang làm dâu ở đó.
Gặp con, gặp sui, tay bắt mặt mừng. Khách tới nhà không gà thì vịt, nay sui gia tới thăm, tình nghĩa còn quý hơn. Vì thế, dù nghèo giàu, dù đồ ăn thức uống có sẵn hay không, bên chủ cũng cố gắng làm một, hai món đãi khách. Khi thì cá nướng, tép luộc, gà nấu cháo, vịt nấu cà ri... thậm chí có người còn làm bánh xèo, bánh khọt đãi anh chị sui.
Trong bếp mấy mẹ con, sui gia vừa làm vừa nói chuyện hàn huyên, chuyện ngày xửa ngày xưa. Trên nhà trên hai ông sui có khi rủ, hú thêm mấy người bà con hay đàn ông trong xóm qua chơi. Bên chung trà mà thăm hỏi nhau chân tình thắm thiết. Bữa ăn chuẩn bị xong thì dọn lên. Tất cả quây quần ăn uống. Những câu chuyện đổi trao qua lại miên man vô tận dường như không có hồi kết.
Hình ảnh đám cưới miền Tây trong phim Vu quy đại náo. Nguồn: 2sao. |
Sau khi ăn uống xong, bà sui này mời bà sui kia miếng trầu, miếng cau. Bà chơi với cháu ngoại, chỉ dẫn thêm cho con gái. Trong khi hai ông sui vẫn tiếp tục ly rượu chung trà. Đến xế chiều, anh chị xui mới kiếu bên trai để trở về.
Sui gia thăm hỏi nhau có khi là dịp đi đám giỗ, đám ma đâu đó, tiện đường thì ghé tạt qua nhà sui gia. Cuộc gặp gỡ tình cờ nhưng cũng không kém phần chu đáo. Bình trà được châm mới để hai bên đàm đạo. Cầu kỳ thì nướng con khô, bẻ trái chuối chát, trái me chua rồi kêu mấy đứa cháu chạy lên xóm trên mua lít rượu về để đãi anh sui.
Đối với chị sui thì miếng trầu, trái cau hoặc ra vườn hái trái dừa tươi để mời chị sui cũng được. Thậm chí, có nhà khó khăn phải kêu con chạy sang hàng xóm mượn đỡ nồi trà về đãi sui cho trọn tình. Nhà có ổ gà mới ấp, lỡ khi anh sui ghé nhà không có gì ăn thì mượn đỡ vài trứng đem luộc mang ra để sui gia nâng ly rượu cay mà nồng nàn hương vị.
Sui gia thâm tình cũng thường xuyên lui tới với nhau khi nhà bên này hay bên kia có đám tiệc. Coi nhà sui nhà như nhà của mình vậy. Ba, má của anh chị sui mãn phần thì bổn phận của sui gia là phải qua để thực hiện lễ nghi và tiếp giúp, chia sẻ. Ngày nhà sui gả, cưới sẽ có hiện tượng sui này lại gặp sui kia, sui trước, sui sau, sui lớn, sui nhỏ. Chuyện phân định thấp cao trong vai vế giữa các sui gia dây chuyền cũng không kém phần thú vị và độc đáo.
Dân gian quan niệm trường hợp này ai lớn hơn sẽ là anh chị, ai nhỏ tuổi hơn nhận vai em khi xưng hô. Đặc biệt trong các đám đầy tháng, thôi nôi của đứa cháu mà bên là nội bên là ngoại, thì họ coi như đó là trách nhiệm của ông bà phải qua mừng cho con cháu. Sẵn dịp sui gia ngồi lại cùng nhau đàm đạo chuyện nhân tình thế thái.
Trong đời sống, có một biểu hiện rất thú vị về chuyện ứng xử của những sui gia mà cả hai bên đều gặp cảnh nửa đường gãy gánh. Dường như trời bày cảnh trớ trêu khi bên đây ông sui đã mất vợ, bên kia chị sui góa chồng. Tuổi sồn sồn hồi xuân lúc nào không biết, khiến ông sui muốn sáp lại với bà sui. Có những bà sui giữ lòng bền chặt, nhưng cũng có nhiều bà bằng lòng chắp nối tình muộn.
[…]
Cũng như trong nhiều mối quan hệ giao tiếp khác, sui gia mích lòng nhau cũng là chuyện như cơm bữa ở miền quê. Chuyện nhỏ bắt đầu từ những lời chê nhau: Chị sui tui bả nhiều chuyện lắm!, hay nói xấu nhau: anh sui tui sáng say chiều xỉn, lại còn vặt mắt! Những lời nói không hay đó nếu bên kia tình cờ nghe được thì mối hiềm khích đã gây mầm, có dịp là sui gia cạnh khóe thấp cao để trả đũa. Nhẹ thì trách Anh là anh ngược chớ anh sui nỗi gì! Nặng hơn thì nói thẳng: Nhìn anh vậy mà anh cà chớn quá, thôi nghen tụi nhỏ làm gì làm tui chẳng còn sui gia gì với cái thứ như anh! […]
Tóm lại, mối quan hệ sui gia trong đời sống người bình dân cũng có lắm điều thú vị. Kết thân (thông gia) - ngồi sui giữa hai họ thể hiện sự gắn kết và phát triển gia đình, dòng họ bởi con cháu họ sẽ là người kế thừa và là chủ nhân kế tiếp.