Biến đổi khí hậu đã tác động đến mọi mặt như kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh toàn cầu và trở thành thách thức lớn nhất với toàn nhân loại. Để ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu, các nước thế giới đang nỗ lực thực hiện chuyển đổi xanh toàn diện.
Quá trình chuyển đổi xanh hướng tới sự phát triển bền vững được xem là mục tiêu sống còn, xu thế tất yếu không thể đảo ngược trong tiến trình phát triển của thế giới.
Việt Nam đã lựa chọn cùng với nhiều quốc gia trên thế giới chuyển đổi mạnh mẽ từ nền kinh tế “nâu” sang nền kinh tế “xanh” với trọng tâm chuyển đổi tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, phát thải carbon thấp, đảm bảo tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Trước thực trạng trên, chiều 5/6, Tạp chí Kinh tế Môi trường phối hợp với Tạp chí Việt Đức, NatureWord tổ chức chương trình Hội thảo chuyển đổi xanh và phát triển bền vững giảm phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu Net – Zero vào năm 2050.
Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Ủy viên đoàn chủ tịch VUSTA – Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế môi trường cho biết, việc tiến tới mục tiêu rác thải bằng không giai đoạn 2050 là vấn đề quan trọng. Trong đó câu chuyện chuyển đổi xanh và phát triển bền vững cần được quan tâm nhất. Đây là cam kết mang tầm quốc gia, chúng ta đã đưa vào luật để hướng tới mục tiêu quan trọng này.
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường khẳng định, thời gian vừa qua, nhiều nước trong đó có Việt Nam đã tổ chức nhiều sự kiên liên quan tới việc chống biến đổi khí hậu. Các nội dung này nằm trong chủ đề chung của ngày bảo vệ môi trường thế giới. Mô hình kinh tế tuần hoàn và chuỗi cung ứng, hướng tới chuyển đổi xanh, bảo vệ thiên nhiên.
Việc thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn là công cụ để thế giới hướng tới việc không có rác thải, do vậy việc chuyển đổi xanh và lối sống xanh là quy định gần như bắt buộc trong giai đoạn mới. Tại các quốc gia phát triển việc này được đưa vào luật và có những điều khoản rõ ràng. Vì vậy, các doanh nghiệp tại Việt Nam cần thích nghi với việc chuyển đổi xanh và các quy định về bảo vệ môi trường.
Tại sự kiện này, các chuyên gia cũng thảo luận về phương pháp truyền thông về khí hậu, môi trường, xu hướng chuyển đổi công nghệ xanh (sử dụng biến tần trung thế, chuyển đổi nhiên liệu xanh Hydrogen, thu hồi nhiệt cho phát điện, sản xuất lạnh bằng máy lạnh hấp thụ), các giải pháp năng lượng.
Để ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu, các nước thế giới đang nỗ lực thực hiện chuyển đổi xanh một cách toàn diện. Quá trình chuyển đổi xanh hướng tới sự phát triển bền vững được xem là mục tiêu sống còn, xu thế tất yếu không thể đảo ngược trong tiến trình phát triển của thế giới.