Ý kiến được Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh chia sẻ tại Hội nghị triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024 ngày 6/3.
Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 500 điểm cầu tại các 63 tỉnh, thành phố và cả cấp huyện trên cả nước.
Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, Dự án Luật Đất đai được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan chuẩn bị rất trách nhiệm, kỹ lưỡng, công phu qua nhiều vòng, nhiều bước, được trình Quốc hội cho ý kiến tại 4 kỳ họp.
Theo Quyết định 222/QĐ-TTg, Bộ TN&MT được giao xây dựng trình Chính phủ 6 Nghị định, ban hành theo thẩm quyền 4 Thông tư. Hiện Bộ đang xây dựng các Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành và lấy ý kiến các địa phương để hoàn thiện.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, hiện các địa phương rất mong chờ Luật Đất đai có hiệu lực sớm và tin tưởng Luật khi có hiệu lực sẽ quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, gắn với giải quyết các vướng mắc, tồn tại.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân, quan điểm xây dựng Luật là nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng.
Đảm bảo kế thừa, ổn định, phát triển của hệ thống pháp luật đất đai; sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp với thực tiễn. Đảm bảo đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về đất đai với các pháp luật có liên quan.
Hoàn thiện các chế định để quản lý đất đai theo chức năng là tài nguyên, tài sản, nguồn lực cả về diện tích, chất lượng, không gian sử dụng.
Về tài chính giá đất, Thứ trưởng nhấn mạnh, Luật đã có chính sách ổn định tiền thuê đất hàng năm.
Tại hội nghị, đại diện UBND nhiều tỉnh, thành phố đánh giá Luật Đất đai 2024 đã bám sát tinh thần Nghị quyết 18, giải quyết được những vướng mắc, tồn tại khi thi hành Luật Đất đai 2013.
Phó Bí Thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang - Nguyễn Văn Sơn cho rằng, Luật Đất đai 2024 đã thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng và tháo gỡ cơ bản các vướng mắc, tồn tại khi thi hành Luật Đất đai 2013.
“Tôi tin tưởng rằng Luật Đất đai 2024 sẽ đáp ứng được yêu cầu thực tế, tháo gỡ vướng mắc ở địa phương”,ông Sơn nói.
Ông Sơn đề nghị sớm ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật để địa phương thực hiện đảm bảo sự thống nhất. Tỉnh cũng kiến nghị Bộ TN&MT điều chỉnh một số chỉ tiêu sử dụng đất đai để phục vụ phát triển KT- XH; bố trí kinh phí thực hiện đo đạc địa chính.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường đánh giá, Luật Đất đai đã bám sát thể chế Nghị quyết 18, báo cáo tổng kết thi hành Luật đất đai 2013 và đồng bộ với Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở làm cơ sở để địa phương thực hiện.
Với hiệu ứng Luật Đất đai và luật liên quan, 2 tháng đầu năm 2024, số hồ sơ nhà đất cần giải quyết tăng hơn 18.000 hồ sơ so với năm 2023, nguồn thu thuế tăng 45% so với cùng kỳ, góp phần tổng thu của thành phố tăng khoảng 13%.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Quách Tất Liêm cho rằng, trong quá trình xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ TN&MT đã lắng nghe và tiếp thu ý kiến của các địa phương và khi được ban hành, Luật có nhiều đổi mới nhất là về phân cấp thẩm quyền, cải cách hành chính.
Ông Liêm mong muốn các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật cần quy định cụ thể các nội dung Luật, đặc biệt về tài chính đất đai để minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện và sớm ban hành để Luật đi vào cuộc sống.