Là khu vực đói nghèo, nhiều nước châu Phi còn phải đối mặt với nạn châu chấu sa mạc đe dọa nông nghiệp nghiêm trọng.
Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Science Advances ngày 14/2 cảnh báo những đợt bùng phát này sẽ ngày càng khó ngăn chặn và kiểm soát trong điều kiện khí hậu ấm lên.
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Phi, châu chấu sa mạc là loài côn trùng di cư di chuyển theo đàn hàng triệu con trên khoảng cách xa, phá hoại mùa màng, gây ra nạn đói và mất an ninh lương thực.
Một đàn châu chấu dài hàng km2 với khoảng 80 triệu con châu chấu có thể tiêu thụ lượng cây lương thực đủ để nuôi sống 35.000 người trong một ngày.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) mô tả đây là loài di cư có sức tàn phá mạnh nhất trên thế giới.
Xiaogang He, tác giả của nghiên cứu và là Trợ lý giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết các hiện tượng thời tiết cực đoan thường xuyên và nghiêm trọng hơn do biến đổi khí hậu có thể làm tăng thêm sự khó lường về sự bùng phát của nạn châu chấu.
Tuy nhiên, ông hy vọng rằng nghiên cứu này có thể giúp các quốc gia hiểu và giải quyết tác động của biến đổi khí hậu đối với hoạt động của loài châu chấu, đặc biệt là trong bối cảnh hậu quả của nạn châu chấu đối với năng suất nông nghiệp và an ninh lương thực, đồng thời kêu gọi hợp tác tốt hơn giữa các quốc gia và các tổ chức nhằm nhanh chóng kiểm soát để ứng phó và xây dựng hệ thống cảnh báo sớm.
Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa mức độ bùng phát châu chấu sa mạc với điều kiện thời tiết và đất đai như nhiệt độ không khí, lượng mưa, độ ẩm đất và gió.
Châu chấu sa mạc có nhiều khả năng xâm nhập vào các khu vực khô cằn có lượng mưa cực lớn đột ngột và số lượng côn trùng trong một đợt bùng phát chịu tác động của điều kiện thời tiết.
Nghiên cứu chỉ ra rằng El Nino cũng có mối liên hệ chặt chẽ với các đợt bùng phát châu chấu sa mạc lớn hơn và nghiêm trọng hơn.
Giáo sư côn trùng học Douglas Tallamy của Đại học Delaware (Mỹ), người không tham gia nghiên cứu, cho biết thời tiết và lượng mưa thất thường đã gây ra sự phát triển mạnh mẽ của thảm thực vật và do đó thúc đẩy sự gia tăng số lượng châu chấu rất lớn.
Nghiên cứu cho thấy những nước đặc biệt dễ bị tổn thương như Maroc và Kenya có nguy cơ cao. Tuy nhiên, môi trường sống của châu chấu đã mở rộng kể từ năm 1985 và dự đoán loài côn trùng này sẽ tiếp tục tăng ít nhất 5% vào cuối thế kỷ 21, dự đoán là ở Tây Ấn Độ và Tây Trung Á.
Các đợt bùng phát châu chấu lớn có thể gây ra tác động tài chính rất lớn. Theo WB, đợt bùng phát châu chấu xảy ra ở Tây Phi từ năm 2003 đến năm 2005 đã tiêu tốn hơn 450 triệu USD để ứng phó, và gây thiệt hại mùa màng ước tính lên tới 2,5 tỷ USD