Cha mẹ cần trò chuyện với con nhiều hơn, để hiểu trẻ thực sự muốn gì. Ảnh: I.P. |
Thấu cảm (empathy) có nguồn gốc từ chữ "em" trong tiếng Hy Lạp, nghĩa là “bên trong” và "pathos" nghĩa là “chịu đựng, cảm giác”. “Thấu cảm” là một từ được các nhà tâm lý học sử dụng để mô tả khả năng đặt mình vào vị trí của người khác.
Không giống như “đồng cảm” thể hiện rằng có hai người cùng chung một cảm xúc, “thấu cảm” không chia sẻ cảm xúc chung dù các bên có sự hiểu biết lẫn nhau. Hãy lấy một ví dụ rất đơn giản. Bạn và con trai đều yêu thích chocolate, khi bạn thấy con thực sự hào hứng với thanh chocolate mà bé được tặng, bạn sẽ đồng cảm với cảm xúc của con. Bạn cũng sẽ cảm thấy phấn khích.
Còn nếu con thích đồ ngọt mà bạn thì không, khi bạn nhìn thấy bé nhảy nhót quanh túi kẹo, bạn có thể nảy sinh sự thấu cảm. Bạn sẽ không nhảy nhót xung quanh, nhưng bạn biết con trai mình, bạn hiểu bé và biết được vì sao con vui tới vậy.
Lắng nghe trẻ với sự thấu cảm sẽ giúp trẻ hiểu và kết nối cảm xúc với suy nghĩ của mình. Nói tóm lại, đó là cánh cửa dẫn đến sự tự hiểu biết và chấp nhận bản thân mà chúng ta có thể sử dụng với trẻ ngay từ khi trẻ chào đời, đắp ấm cho trẻ khi trẻ lạnh, cho trẻ ăn khi đói hoặc giúp trẻ thư giãn và ngủ nghỉ khi chúng ta nghĩ con đang mệt.
Khi trẻ lớn lên, cha mẹ tiếp tục đồng hành cùng con trên hành trình khám phá và chấp nhận này bằng cách lắng nghe những cơn giận dữ, lo lắng, những ước mơ và nỗi sợ hãi của con.
Tất cả những cuộc trò chuyện nho nhỏ mà cha mẹ nói với con cái đang hờn dỗi, buồn bã hay phấn khích trên đường đi học về hay ở góc bếp, rồi lặp đi lặp lại nhiều lần trong suốt cuộc đời trẻ góp phần to lớn trong việc giúp trẻ có khả năng hiểu và tin tưởng.
Vì vậy, đừng ngần ngại khi con cần bạn. Hãy lắng nghe con vì đó có thể là điều quan trọng nhất mà chúng ta có thể làm với tư cách là cha mẹ. Bạn sẽ nhận thấy trẻ mau chóng bình tĩnh hơn, trẻ vượt qua được nỗi sợ hãi và lo lắng, đồng thời sự tự tin của trẻ và mối quan hệ giữa hai người sẽ phát triển.
Chắc bạn còn nhớ rằng trong bộ não của trẻ em và của người lớn có hai vũ trụ: bộ não cảm xúc và bộ não lý trí. Cả hai thế giới này đều có xu hướng hoạt động độc lập và khi trải qua một cảm xúc mãnh liệt, chúng ta gần như không thể kiềm chế được nó. Cảm xúc ấy giống như một con ngựa đang phi nước đại, cả giáo viên lẫn phụ huynh, và chính ngay bản thân trẻ đều không thể giúp trẻ bình tĩnh lại.
Lý do khiến thấu cảm là một công cụ mạnh mẽ là vì khi một người nhận thấy một phản hồi thể hiện sự thấu cảm, một hiệu ứng tuyệt vời sẽ xảy ra trong não họ. Bộ não lý trí và bộ não cảm xúc hòa hợp với nhau và sự hòa hợp ấy có tác dụng xoa dịu bộ não cảm xúc. Điều này xảy ra vì phản ứng thể hiện sự thấu cảm kích hoạt một trong những khu vực đóng vai trò cầu nối giữa hai thế giới.
Một khu vực nằm trong vùng trung tâm mang tính chiến lược giữa bộ não cảm xúc và bộ não lý trí, ẩn trong một nếp gấp sâu, chỉ có thể tiếp cận được bằng cách tách thùy thái dương, thùy đỉnh và thùy trán ra. Chúng ta biết khu vực biệt lập giữa hai thế giới này gọi là “thùy đảo”.
Khi một vùng não cảm xúc bị kích thích quá mức do thất vọng, buồn bã hoặc bất kỳ cảm xúc mãnh liệt nào khác, trẻ sẽ không thể kiềm chế được tâm trạng của mình. Đây là lúc cơn giận dữ xảy ra. Trong tình huống này, trẻ sẽ thu mình lại và không thể làm theo những gì người khác bảo. Hoặc đây là thời điểm trẻ đưa ra những lời bình luận khiến cha mẹ cảm thấy thật khó để xử lý.
Theo nghĩa đen, đứa trẻ ở bên ngoài bản thân mình, bên ngoài phần lý trí của mình. Để giúp trẻ bình tĩnh lại và nhận ra lý do, chiến lược tốt nhất là ôm trẻ và thể hiện sự thấu cảm về tình huống đó, như vậy cảm xúc mãnh liệt của trẻ sẽ được xoa dịu. Một lời nói sẽ tạo thành cầu nối giữa hai thế giới, cho phép bộ não lý trí của trẻ giúp xoa dịu cảm xúc, hoặc ít nhất là cho các con khả năng lắng nghe những gì cha mẹ đang nói.
Bình luận
(责任编辑:World Cup)