Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, bên phải là một bức tranh do AI tạo nên dựa trên ảnh chân dung của nhà văn. |
Theo phản ánh của một độc giả, khi nhận được đề bài tóm tắt nội dung cuốn sách Cho tôi xin một vé đi tuổi thơcủa nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, ChatGPT đã tự ý thay đổi tên các chương của nguyên tác. Cụ thể thông tin của AI đưa ra về cuốn sách là tác phẩm gồm tám chương với phần đầu có tên "Tôi là một thằng nhóc", phần tiếp theo là "Những trò chơi tuổi thơ". Trong khi đó, tác phẩm gốc có chương một là “Tóm lại là đã hết một ngày” và chương hai là “Bố mẹ tuyệt vời”.
Sự việc trên cho thấy tính nghiêm trọng của việc sử dụng AI nhằm trích xuất thông tin từ sách cũng như vai trò của việc tìm kiếm tài liệu nguồn trong bối cảnh nội dung trí tuệ nhân tạo bùng nổ.
Nhiều thông tin sai lệch về danh tác Việt Nam
Không chỉ tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, khi sử dụng ChatGPT để nêu ra 12 chương trong cuốn sách Thương nhớ mười hai(Vũ Bằng), độc giả cũng sẽ nhận được những câu trả lời không chính xác. Theo đó, ứng dụng này cho ra kết quả hoàn toàn không trùng khớp với tên các phần trong sách.
Ấn bản đặc biệt Cho tôi xin một vé đi tuổi thơnăm 2021 được in bìa cứng, khổ lớn kích thước 19 x 24 cm. Ảnh: Long Huỳnh. |
Trong chương đầu, nhà văn Vũ Bằng đặt tên là “Trăng non rét ngọt”, ChatGPT đổi thành “Vui trong ngày Tết”. Chương hai có tên “Tương tư hoa đào” đã bị đổi sang “Hoa xoan đầu mùa”. Các tên gọi trên đã được mô hình ngôn ngữ lớn của AI tạo sinh dựa vào nội dung chính của tác phẩm đã được công bố trên những nguồn mở.
Ngoài ra, khi hỏi về tác phẩm Người lái đò sông Đàcủa nhà văn Nguyễn Tuân, ChatGPT cũng trả lời sai về tên nhân vật người lái đò. Đây là nhân vật không có tên cụ thể trong tác phẩm nhưng AI lại cung cấp một cái tên tưởng tượng. Điều này có thể dẫn đến những hiểu lầm, đặc biệt đối với học sinh, sinh viên hoặc người nghiên cứu dựa nhiều vào công cụ này mà không kiểm chứng thêm từ các nguồn tài liệu đáng tin cậy.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tại buổi ra mắt tác phẩm Tiệm sách của nàng.Ảnh: P.K. |
Nguyên nhân chính của các sai sót này nằm ở cơ chế hoạt động của AI. ChatGPT không có khả năng "hiểu" thông tin như con người, mà chỉ tổng hợp dữ liệu từ các nguồn khác nhau, bao gồm cả nguồn không chính thống hoặc có sai sót từ trước. Khi dữ liệu đầu vào không chính xác, đầu ra của AI cũng khó đảm bảo độ tin cậy. Thêm vào đó, văn học Việt Nam là một lĩnh vực đặc thù, yêu cầu sự am hiểu sâu sắc về ngôn ngữ, văn hóa, và lịch sử, điều mà AI hiện tại khó có thể đạt đến mức độ như một chuyên gia thực sự.
Theo PGS Jieun Shin tại Đại học Florida (Mỹ), "AI không chỉ tạo ra các hình ảnh và tin tức giả khó phân biệt với sự thật mà còn giúp khuếch đại tốc độ lan truyền của chúng". Những công cụ này cho phép bất kỳ ai, kể cả những đối tượng có ý đồ xấu, sản xuất hàng loạt nội dung sai lệch để phục vụ các mục đích tuyên truyền trên mạng xã hội.
Trước đó, một báo cáo từ NewsGuard (tổ chức độc lập chuyên theo dõi và đánh giá độ tin cậy của các trang web tin tức và thông tin trên mạng) cho thấy, số lượng các trang chứa thông tin sai lệch do AI cung cấp đã tăng gấp mười lần trong năm 2023. Hầu hết, các website này được vận hành với rất ít hoặc không có sự can thiệp từ con người. Những trang web này trở thành mối đe dọa nghiêm trọng, đặc biệt khi thông tin sai lệch có thể ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử hoặc dẫn dắt dư luận trong các cuộc xung đột.
Vai trò của tài liệu nguồn trong bối cảnh AI tạo sinh
Trong bối cảnh AI tạo sinh nở rộ và không kiểm soát được dữ liệu đầu vào, vai trò của việc tìm đọc tài liệu nguồn cần phải được đề cao hơn. Chúng không chỉ là nền tảng vững chắc cho quá trình nghiên cứu mà còn là công cụ giúp người học tiếp cận trực tiếp với tư duy và lập luận của tác giả.
Theo các nhà nghiên cứu, tài liệu gốc mang lại khả năng tiếp cận toàn diện hơn so với các thông tin được tổng hợp bởi AI. Việc tham khảo trực tiếp các nguồn này giúp người đọc hiểu rõ bối cảnh, sắc thái và logic tư duy mà các công cụ tổng hợp thông tin khó có thể truyền tải đầy đủ. "Đọc tài liệu gốc không chỉ là việc tìm kiếm thông tin, mà còn là một quá trình đối thoại sâu sắc với tác giả”, TS Ngô Di Lân - Tiến sĩ ngành Quan hệ Quốc tế (Đại học Brandeis, Mỹ) - chia sẻ.
TS Ngô Di Lân hiện công tác tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Học viện Ngoại giao. Ảnh: Ánh Hoàng. |
Bên cạnh đó, thái độ của người dùng đối với thông tin từ AI cũng cần được điều chỉnh theo hướng thận trọng và có chiến lược. Thay vì thụ động tiếp nhận thông tin như một sự thật hiển nhiên, người học cần đối thoại với AI, đặt câu hỏi phản biện và kiểm chứng thông tin từ các nguồn đáng tin cậy khác. Đây không chỉ là kỹ năng cần thiết trong thời đại số mà còn là cách để tránh những nguy cơ từ thông tin sai lệch hoặc thiếu chính xác mà AI có thể cung cấp.
Với khả năng xử lý dữ liệu khổng lồ và cung cấp thông tin nhanh chóng, AI giúp tiết kiệm thời gian và mở rộng khả năng tiếp cận tri thức. Nhưng chính điều này lại đặt ra vấn đề lớn về độ chính xác và tính toàn diện của thông tin mà trí tuệ nhân tạo cung cấp.
"AI có xu hướng đồng nhất hóa thông tin, bỏ qua các chi tiết nhỏ nhưng có ý nghĩa quan trọng để hiểu sâu vấn đề. Thực trạng này đặc biệt nguy hiểm trong các lĩnh vực như nghiên cứu lịch sử hay khoa học xã hội, nơi mỗi chi tiết nhỏ đều có thể thay đổi toàn bộ cách nhìn nhận về một sự kiện hoặc vấn đề”, TS Ngô Di Lân cảnh báo.
Tuy nhiên, tác giả cuốn sách Canh bạc AI cũng cho rằng không thể phủ nhận AI đang trở thành một công cụ hỗ trợ quan trọng trong quá trình học tập và nghiên cứu. Cuối cùng, vai trò của giáo dục là không thể thay thế trong việc khuyến khích việc tiếp cận tài liệu gốc và phát triển khả năng phân tích độc lập. Các trường học cần trang bị cho học sinh không chỉ kỹ năng sử dụng AI mà còn cả thói quen đọc và nghiên cứu sâu. Chỉ khi đó, thế hệ người học mới có thể khai thác tối đa lợi ích từ công nghệ mà vẫn giữ được tư duy phản biện và sự sáng tạo của con người.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected].Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.