Chiều 15/10, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo “Vai trò của Vận tải xanh - Green Logistics trong xu thế quốc tế đương đại, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững hướng tới Net zero 2050”. Hội thảo nhằm góp phần cụ thể hóa "mục tiêu Net-zero vào năm 2050", trong lĩnh vực vận tải tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, logistics xanh là hoạt động hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, thân thiện với môi trường và giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực. Các hoạt động liên quan bao gồm vận chuyển, xử lý và lưu trữ nguyên vật liệu, kiểm soát hàng tồn kho, đóng gói và phân bổ hàng hóa.
Việt Nam có hơn 40.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, dẫn đầu ASEAN về số lượng doanh nghiệp, và xếp thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu, theo bảng xếp hạng Agility 2022.
Tại hội thảo, TS Lê Ngọc Cầu, Phó viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho rằng, Bộ Giao thông Vận tải đã đặt ra mục tiêu và lộ trình chuyển đổi xanh, hướng tới phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050.
Từ năm 2030, ngành giao thông sẽ tăng cường sử dụng năng lượng hiệu quả, đẩy mạnh chuyển đổi sang năng lượng xanh. Đến năm 2050, toàn bộ hệ thống phương tiện, thiết bị và hạ tầng giao thông sẽ sử dụng năng lượng điện và năng lượng tái tạo.
Ông Bùi Văn Quỳ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt Nam cho hay, để thực hiện chương trình vận tải xanh, cần các yếu tố về thể chế, hạ tầng và con người. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng phải hỗ trợ việc phát triển xanh, dần đầu tư về hạ tầng, tài chính, công nghệ, năng lượng xanh và sạch...
Theo ông Quỳ, ngành logistics và cảng biển là xương sống của nền kinh tế. Các hoạt động của ngành logistics đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước, đồng thời cũng gây ra tác động rất lớn tới môi trường khi có lượng phát thải rất lớn. Vì thế, trong công cuộc chuyển đổi xanh, logistics, giao thông phải là ngành tiên phong chuyển đổi. Nông nghiệp xanh, công nghiệp xanh thì vận tải, kho bãi, cầu cảng cũng phải xanh.
Bà Nguyễn Thị Minh Hà, Công ty TNHH DV Quốc tế Rồng Vàng, Giám đốc và Chủ tịch HĐQT - Founder Green Nature Hành trình xanh - cho rằng, logistics xanh có những mục tiêu cơ bản như giảm ô nhiễm, sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng hóa thạch, giảm số vụ tai nạn, giảm tắc nghẽn, tối ưu lộ trình.
Logistics xanh chi phối 3 mục tiêu vĩ mô là kinh tế, xã hội và môi trường. Trong đó, mục tiêu môi trường tập trung vào giảm ô nhiễm thông qua hạn chế sử dụng các loại nhiên liệu hóa thạch bằng việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo thay thế.
Mục tiêu xã hội hướng tới việc giảm tai nạn, giảm sự tắc nghẽn do số lượng phương tiện tham gia giao thông.
Với mục tiêu kinh tế, thực hiện logistics xanh giúp giảm tổng khối lượng năng lượng cần sử dụng nhờ các biện pháp như tối ưu hóa lộ trình, áp dụng công nghệ thông tin trong tính toán.
Theo bà Hà, với mục tiêu phát triển kinh tế, việc thực hiện logistics xanh sẽ giúp giảm thiểu tổng lượng năng lượng cần sử dụng thông qua các biện pháp như tối ưu hóa lộ trình và áp dụng công nghệ thông tin trong quá trình tính toán.
“Chúng tôi sẽ triển khai Dự án Xanh - Green Nature trên 63 tỉnh thành khắp cả nước. Trong giai đoạn tới, định hướng phát triển của dự án là mở rộng khoảng 20-30 hecta tại 6 tỉnh thành đầu tiên, bao gồm: TP.HCM, Bình Thuận, Đồng Nai, Lâm Đồng, Quảng Ninh và Quảng Bình. Kế hoạch cụ thể cho các tỉnh thành này đã được xây dựng, đảm bảo phù hợp với đặc thù của từng địa phương.
Dự án sẽ mang tính thiết thực, hiện đại và kết hợp nhiều yếu tố xanh, luôn gắn liền với thiên nhiên, cộng đồng, và tinh hoa quốc tế. Chúng tôi sẽ tự đầu tư, sau đó sẽ hợp tác với các đơn vị logistics để hỗ trợ phát triển và liên kết cùng nhau”, bà Hà thông tin.
Bà Hà cho rằng, hệ thống logistis xanh chuyên nghiệp phải phù hợp với nhu cầu kinh doanh và người dân. Vì thế, Hành trình xanh - Green Nature đã phát động rất nhiều phong trào, được đông đảo người dân và chính quyền địa phương hưởng ứng, như phong trào làm sạch nông thôn mới, vùng sâu, vùng xa vùng biển; xử lý nước cho các làng nghề; phong trào tiết kiệm điện; phát cây trồng dược liệu, cây xanh carbon, cây chống bão lũ; hỗ trợ người dân chống xói mòn, chống ngập mặn; phong trào không chặt phá rừng, bảo vệ thiên nhiên.