Hiện nay, Bộ luật Dân sự 2015 quy định về nguyên tắc sử dụng bất động sản liền kề tại Điều 248 là “không được ngăn cản hoặc làm cho việc thực hiện quyền với bất động sản hưởng quyền trở nên khó khăn”.
Theo đó, khi hàng xóm xây nhà, các bên bất động sản liền kề không được phép gây khó dễ, cản trở hàng xóm của mình thực hiện các quyền về bất động sản liền kề được quy định tại chương XIV Bộ luật Dân sự 2015 gồm quyền được sử dụng lối đi chung, quyền đặt ống dẫn-thoát nước, mắc dây điện… (nếu bắt buộc).
Tuy nhiên, hiện nay pháp luật lại không quy định trường hợp bắc dàn giáo sang nhà hàng xóm để trát tường như thế nào.
Do vậy, nếu khi xây nhà, hàng xóm từ chối cho trát tường, trước tiên người xây nhà nên thực hiện thương lượng, thỏa thuận với hàng xóm để được thực hiện quyền này và đề xuất đền bù nếu để xảy ra thiệt hại như làm rơi sơn, vữa… sang nhà hàng xóm.
Trường hợp không thể tự thương lượng thì có thể nhờ UBND đứng ra làm bên thứ 3 hòa giải.
Hiện pháp luật quy định, khi xảy ra tranh chấp liên quan đến đất đai, Nhà nước khuyến khích các bên tự hòa giải trước với nhau hoặc thông qua hòa giải ở cơ sở. Việc hòa giải là bắt buộc phải thực hiện trước khi khởi kiện.
Nếu vẫn không thể hòa giải, người xây nhà bạn có thể gửi đơn khiếu nại tới UBND cấp xã, phường (theo quy định tại khoản 2 Điều 235 Luật Đất đai 2024) hoặc khởi kiện ra tòa án quận/huyện.
Cạnh đó, hành vi nhất quyết cản trở, gây khó khăn đối với việc thực hiện quyền của người sử dụng đất sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 15 Nghị định 123/2024/NĐ-CP sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000.
Hành vi cản trở, gây khó khăn đối với việc sử dụng đất, việc thực hiện quyền của người sử dụng đất là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 10 Điều 11 Luật Đất đai 2024. Theo đó, người nào thực hiện hành vi bị cấm sẽ bị xử phạt từ 5 - 10 triệu đồng.