Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Bằng Việt, dịch giả Dominique De Miscault (từ phải qua trái). |
Ngày 20/12/2024, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà văn - nhà văn hóa lớn Nguyễn Đình Thi (20/12/1924 - 20/12/2024). Sự kiện thu hút đông đảo văn nghệ sĩ, trí thức và đại diện gia đình nhà văn tham dự, ghi dấu ấn sâu sắc trong đời sống văn hóa nghệ thuật Việt Nam.
Nhà thơ Nguyễn Đình Thi và Madeleine Riffaud. |
Một điểm nhấn đặc biệt của buổi lễ là việc công bố tập thơ song ngữ Việt - Pháp gồm 50 bài thơ của Nguyễn Đình Thi do nữ dịch giả Dominique De Miscault và nhà thơ Bằng Việt dịch. Đồng thời, lần đầu tiên, nữ dịch giả Dominique De Miscault chia sẻ cởi mở về mối tình lãng mạn giữa Nguyễn Đình Thi và nữ ký giả Pháp Madeleine Riffaud - một câu chuyện đầy cảm động và bi thương.
Nguyễn Đình Thi gặp Madeleine Riffaud lần đầu vào năm 1951 tại Berlin, trong Liên hoan Thanh niên - Sinh viên Thế giới. Cả hai cùng độ tuổi và tràn đầy nhiệt huyết sáng tạo, nhanh chóng nảy sinh tình yêu sâu đậm. Tuy nhiên, hoàn cảnh lịch sử và chiến tranh đã khiến họ không thể đến được với nhau.
Mối tình dang dở để lại dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời cả hai người. |
Madeleine đã viết hàng ngàn bức thư cho Nguyễn Đình Thi, dịch tác phẩm Mặt trận trên caocủa ông sang tiếng Pháp, dành một phòng riêng trong căn hộ tại Paris để lưu giữ hình ảnh và tác phẩm của người yêu.
Về phía Nguyễn Đình Thi, ông viết nhiều bài thơ tặng Madeleine, cẩn thận lưu giữ tất cả thư từ và hình ảnh của bà trong một chiếc cặp, với lời dặn con cháu chỉ mở ra sau khi ông mất.
Những câu thơ như “Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh...” (Nguyễn Đình Thi) không chỉ mang hơi thở của tình yêu đôi lứa mà còn ẩn chứa khát vọng, nỗi niềm và sự tiếc nuối của một tình yêu đẹp nhưng dang dở.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhận định rằng Nguyễn Đình Thi là một nhân vật đặc biệt trong đời sống văn học nghệ thuật Việt Nam. Từ văn xuôi, thơ ca đến sân khấu và âm nhạc, ông đều để lại dấu ấn đậm nét với tư tưởng triết học sâu sắc. Đây chính là yếu tố tạo nên sức sống lâu bền cho các tác phẩm của ông qua nhiều thế hệ.
Tập thơ song ngữ Việt - Pháp gồm 50 bài thơ của Nguyễn Đình Thi do nữ dịch giả Dominique De Miscault và nhà thơ Bằng Việt dịch |
Mối tình giữa Nguyễn Đình Thi và Madeleine Riffaud, dù không trọn vẹn nhưng lại là minh chứng cho sự giao thoa văn hóa và tình cảm sâu sắc giữa hai nền văn hóa Pháp - Việt. Câu chuyện tình cảm động cùng di sản mà Nguyễn Đình Thi để lại là niềm tự hào của văn học Việt Nam; là bài học về sự hy sinh, đam mê, lòng nhân ái trong nghệ thuật và cuộc sống.
Nhà văn, nhà thơ Nguyễn Đình Thi sinh ngày 20/12/1924 ở Luang Prabang (Lào), nguyên quán làng Vũ Thạch, nay là phố Bà Triệu, phường Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ông say mê văn chương, âm nhạc, mỹ thuật, triết học từ nhỏ.
Nguyễn Đình Thi tham gia hoạt động cách mạng khi còn rất trẻ. Những năm 1940 ông tham gia Tổ Văn hóa cứu quốc, sau đó là Hội Văn hóa cứu quốc. Năm 1945, ông tham dự Quốc dân Đại hội Tân Trào, được bầu làm Đại biểu Quốc hội Việt Nam các khóa I, II, III. Sau Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Đình Thi làm Tổng thư ký Hội Văn hóa cứu quốc. Trong kháng chiến chống Pháp, ông tiếp tục viết sách khảo luận triết học, viết văn, làm thơ, soạn nhạc, soạn kịch, lý luận phê bình. Sau năm 1954 ông tham gia công tác quản lý văn học nghệ thuật. Từ năm 1958 - 1989, ông là Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam. Từ năm 1995, ông là Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.
Nhà văn Nguyễn Đình Thi đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng; Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 (1996) về văn học nghệ thuật...