Đó là chia sẻ của đạo diễn, NSƯT Nguyễn Tài Văn (Đài truyền hình Việt Nam) khi kể lại quá trình thực hiện bộ phim tài liệu “Hướng đi của phế liệu nhựa nhập khẩu”. Từng có nhiều phóng sự về thực trạng của nhập khẩu phế liệu nhựa nhưng đây là lần đầu tiên có phim tài liệu về đề tài này. Bộ phim bắt đầu thực hiện từ tháng 6/2023
Lý do đạo diễn Nguyễn Tài Văn và đồng nghiệp quyết tâm đầu tư thời gian, công sức hơn 2 tháng trời để thực hiện phim tài liệu này là bởi "ám ảnh với số liệu người mắc ung thư ở Việt Nam ngày càng tăng cao”.
Những trích đoạn trong bộ phim tài liệu “Hướng đi của phế liệu nhựa nhập khẩu” (Nguồn: VTV)
Vấn đề ô nhiễm môi trường là một trong những sát thủ thầm lặng dẫn đến tình trạng bệnh ung thư gia tăng theo cấp số nhân ở Việt Nam và trên thế giới. “Từ nỗi ám ảnh đó, tôi mong muốn làm nhiều chương trình để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân”, NSƯT Nguyễn Tài Văn nói.
Anh bị ám ảnh khi ghi hình những người nhặt rác tại bãi rác Xuân Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội). Đủ thứ rác thải, đồ ăn thừa được các xe vệ sinh môi trường tập kết tại đó. Trước khi ban quản lý phun thuốc và xử lý theo quy trình, thì những người dân nghèo chấp nhận mưu sinh bằng nghề ve chai phải dậy từ 2h để nhặt, đợi chiếc cổng vào khu bãi rác mở ra và họ thi nhau đổ ra bãi rác để bới những chiếc túi nilon, những chai nhựa để mưu sinh
"Để có được những cảnh đó, chúng tôi đã phải chờ trực ở bãi rác. Mặc dù ê-kíp đã trang bị bảo hộ lao động nhưng không thể hình dung mùi ở bãi rác ám kinh khủng như vậy. Nó ám vào trong tâm trí, trong khứu giác, một cảm giác khó để diễn tả", anh Văn nói.
Một trường đoạn khác quay ở ngôi làng tái chế nhựa lớn nhất ở miền Bắc là thôn Minh Khai (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) cũng khiến đạo diễn ám ảnh khôn nguôi.
Đó là một ngôi làng có hơn 40 năm làm tái chế, những gì không tái chế được họ vứt ra xung quanh làng. Trong buổi lang thang trong làng để ghi hình người dân phân loại rác thải nhựa, tình cờ anh quay được cảnh 2 vợ chồng đang làm việc, phía sau là một cô gái khoảng hơn 10 tuổi chơi đùa, tóc rũ rượi múa với đống phế liệu nhựa đang được phân loại.
Ban đầu anh cũng không ấn tượng nhiều nhưng càng ngồi quay đạo diễn càng thấy biểu hiện của cô bé không bình thường. Hỏi ra anh mới biết bé bị ảnh hưởng từ trong bụng mẹ. Kết quả là đoàn làm phim có trường đoạn cô bé múa ba lê với rác thải nhựa mà đến giờ vẫn còn ám ảnh đạo diễn Nguyễn Tài Văn.
Đau đáu với đề tài về vấn đề rác thải và bảo vệ môi trường nhưng NSƯT Nguyễn Tài Văn biết nếu chỉ là một chương trình, một bài viết và một lần đưa tin hay làm phim thôi thì có thể sẽ khó khăn để truyền tải những thông điệp đến người dân.
Vì vậy suốt từ 2017 đến nay, cứ làm phim là anh nghĩ ngay tới đề tài này bởi "liên tục nhắc đến nó dần dần sẽ thấm dần vào ý thức của người dân, và cao hơn nữa là các nhà quản lý".
Trên xe của đạo diễn Nguyễn Tài Văn luôn chất đầy thiết bị làm phim cá nhân, để bất cứ lúc nào và ở đâu cũng có thể ngay lập tức tác nghiệp. Lượng ổ cứng lưu dữ liệu anh đã góp nhặt giờ nhiều không đếm xuể.
Trong gia đình anh hầu như không có đồ nhựa, chúng được thay thế bằng các loại vật liệu thân thiện với môi trường và có tính bền vững cao.
"Tôi nghĩ chúng ta cần phải tiếp tục nghiên cứu và tuyên truyền để tiến tới ngừng nhập khẩu phế liệu nhựa như nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu năm 2018",đạo diễn nói.