Sáng 26/11, phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư.
Trong phần bào chữa cho cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, luật sư cho rằng trong quá trình công tác, bị cáo đã nhiều lần nhắc nhở Vụ Thị trường trong nước thực hiện đầy đủ các bước thẩm định theo quy định pháp luật khi cấp giấy phép, đồng thời yêu cầu giải quyết nhanh chóng để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước.
Liên quan hành vi nhận 50.000 USD từ bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh, luật sư cho rằng khi bà Hạnh gặp ông Hải để nhờ hỗ trợ và đề cập việc “cảm ơn”, đó chỉ là lời nói mang tính xã giao.
Luật sư khẳng định bị cáo Hải không có mục đích vụ lợi, không yêu cầu hay ép buộc bị cáo Hạnh đưa hối lộ để cấp giấy phép. Nếu có đòi hỏi, với vị trí Thứ trưởng Bộ Công Thương và tính chất quan trọng của giấy phép, số tiền nhận hối lộ không thể chỉ dừng lại ở con số 50.000 USD.
Ngoài ra, luật sư nhấn mạnh rằng bị cáo Hải không đặt nặng vấn đề tiền bạc. Sau khi giấy phép được cấp, bà Hạnh đã nhiều lần xin gặp lại ông Hải nhưng bị từ chối. Khi nhận món quà từ bà Hạnh, do bận rộn với công việc, ông Hải phải đi họp gấp và chỉ mở quà sau một tháng, lúc đó mới biết bên trong là 50.000 USD.
Về các tình tiết giảm nhẹ, luật sư trình bày rằng bị cáo Hải đã nộp lại toàn bộ số tiền nhận hối lộ, có nhiều thành tích xuất sắc trong quá trình công tác, gia đình có công với cách mạng, và nhiều tổ chức, cá nhân đã gửi đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho ông Hải.
Về hoàn cảnh gia đình, vợ và chị gái bị cáo đang mắc bệnh ung thư, em trai bị tâm thần. Luật sư đề nghị HĐXX xem xét áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt, miễn hình phạt cho bị cáo Hải.
Nếu không thể miễn, luật sư mong muốn HĐXX cân nhắc giảm nhẹ hình phạt để bị cáo được nhận mức án thấp nhất, dưới mức đề nghị của VKS.
Trong phần bào chữa bổ sung, bị cáo Đỗ Thắng Hải thừa nhận tội danh như cáo trạng của VKS. Bị cáo cho biết trong thời gian qua đã nhận ra sai phạm, không chối tội hay đổ lỗi cho cấp dưới, đồng thời khẳng định bản thân cũng chịu trách nhiệm khi cấp dưới làm sai.
Bị cáo bày tỏ mong muốn nhận được sự khoan hồng từ HĐXX, với tinh thần nhân văn. “Bị cáo xin được nhận sự khoan hồng, bởi trong sai phạm này, bị cáo đã thấy rõ lỗi của mình và không trốn tránh trách nhiệm”,bị cáo Hải nói.
Cũng tại phiên tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng Anh Tuấn (cựu Vụ phó Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương) - đồng ý với quan điểm truy tố của VKS rằng bị cáo bị xét xử đúng người, đúng tội. Tuy nhiên, luật sư cho rằng mức án 7-8 năm tù là quá cao và nghiêm khắc so với tính chất, mức độ và bối cảnh hành vi phạm tội. Luật sư đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ tình tiết phạm tội và áp dụng mức án thấp hơn, từ 4-5 năm tù.
Theo luật sư, việc đưa và nhận hối lộ xuất phát từ sự chủ động của người đưa tiền, bị cáo không có yêu cầu hay đòi hỏi nào.
Cụ thể, bị cáo Hạnh đã chủ động nhờ người giới thiệu, tiếp cận và đưa tiền cho bị cáo Tuấn. Điều này phù hợp với lời khai của Hạnh tại tòa. Lần thứ nhất, Hạnh đưa 10.000 USD qua trung gian là ông Nguyễn Văn Thắng (Phó Giám đốc Chi nhánh Hà Nội, Xuyên Việt Oil), nhưng Thắng chỉ chuyển cho Tuấn 5.000 USD. Lần thứ hai, số tiền được đưa cũng bị Thắng tự ý giảm mà không thông báo. Nếu có sự thỏa thuận trước, bị cáo Tuấn sẽ phải phản hồi khi số tiền không như mong đợi.
Về hành vi cấp phép cho Công ty Xuyên Việt Oil, luật sư cho rằng bị cáo chỉ kiểm tra xác suất một số điểm thay vì kiểm tra toàn bộ. Điều này xuất phát từ nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Chủ quan là do bị cáo chịu tác động, nể nang lãnh đạo cấp trên, đồng thời bị thúc ép xử lý nhanh hồ sơ. Khách quan là hệ thống quản lý của Bộ Công Thương đã có sự giám sát thường xuyên từ các Sở Công Thương, nên việc đoàn kiểm tra chỉ quan sát thay vì kiểm tra toàn bộ giấy tờ là hợp lý.
Luật sư cũng nêu bối cảnh đặc biệt khi đại dịch COVID-19 vừa kết thúc, việc đi lại bị hạn chế, 49 đại lý của Xuyên Việt Oil phân bổ tại 7 tỉnh thành khiến công tác kiểm tra gặp khó khăn. Bị cáo buộc phải xem video từ các cửa hàng để thay thế kiểm tra trực tiếp.
Thêm vào đó, thời điểm này, Bộ Công Thương phải đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Việc thu hồi giấy phép các cửa hàng vi phạm sẽ gây đứt gãy nguồn cung, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường.
Vị luật sư cũng cho rằng, Xuyên Việt Oil chiếm 12% tổng cung xăng dầu toàn quốc, 20% miền Nam và 40% TP.HCM. Nếu chậm trễ cấp phép lại, thị trường có nguy cơ giảm nguồn cung đột ngột, gây rối loạn nghiêm trọng.
Ngoài ra, luật sư nhấn mạnh rằng bị cáo Tuấn không che giấu sai phạm. Trong văn bản cấp phép, bị cáo đã nêu rõ việc chỉ kiểm tra xác suất, không che giấu các thiếu sót trong kiểm tra. Khi phát hiện sai phạm trong quản lý quỹ bình ổn giá của Xuyên Việt Oil, bị cáo đã quyết liệt đề xuất biện pháp xử lý, thậm chí thu hồi giấy phép chỉ sau 4 ngày nhận thông tin.
Luật sư cũng đề nghị HĐXX xem xét quá trình công tác, các thành tích của bị cáo cùng nhiều bằng khen, giấy khen và đơn xin giảm nhẹ hình phạt từ công đoàn viên.
Tự bào chữa, bị cáo Hoàng Anh Tuấn đồng tình với ý kiến của luật sư, nhận thức rõ sai phạm và mong HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ. Bị cáo bày tỏ mong muốn được cân nhắc công - tội, nhận mức án thấp nhất để sớm trở về với gia đình và xã hội.