Tua bin gió bằng gỗ cao nhất thế giới này có công suất 2 megawatt (MW), được đặt bên ngoài Skara, phía đông bắc Gothenburg. Nó được xây dựng dành cho công ty điện lực Varberg Energi, và cũng chỉ mới bắt đầu cung cấp điện cho mạng lưới điện quốc gia của Thụy Điển.
Tua bin gió trên cao 105 mét, nếu tính cả phần đỉnh của cánh quạt thì nó đạt 150 mét. Các bức tường dày của tòa tháp có 144 lớp gỗ được dán theo kỹ thuật veneer nhiều lớp.
Mỗi lớp chứa 3 mm lớp gỗ vân sam bền vững. Tòa tháp được xây dựng từ 7 phần với 28 mô-đun xếp chồng lên nhau được cố định bằng các phụ kiện bằng thép dán vào đúng vị trí.
Mặt ngoài tòa tháp được phủ bằng lớp sơn dày, không cho thấm nước để đảm bảo lượng không khí được kiểm soát bên trong, cũng như giúp chống ẩm.
Robert Jockwer, Trợ lý giáo sư về ngành Cấu trúc gỗ tại Đại học Chalmers, cho biết gỗ vượt trội hơn thép đối với khí hậu hàng hải. Trong khi nước mặn có tác dụng mạnh đối với thép thì nước mặn không có tác động tiêu cực đến gỗ.
Với một ít muối có trong không khí, nó cũng không phải là vấn đề lớn đối với gỗ. Vậy nên, đối với những vùng khí hậu đặc biệt này, chắc chắn gỗ có thể tốt hơn thép rất nhiều.
Ngoài ra, gỗ chắc chắn nhẹ hơn thép nên việc vận chuyển sẽ dễ dàng hơn hơn trên đường. Việc sử dụng gỗ cho tháp cũng có ý nghĩa quan trọng, vì nó có thể giúp giảm lượng khí thải carbon trong quá trình sản xuất. Khi hết tuổi thọ, tường tháp có thể được tái sử dụng làm dầm gỗ cho ngành xây dựng.
Modvion đã lắp đặt một tuabin gió công suất 2 megawatt trên đỉnh tháp, do nhà sản xuất tuabin gió Đan Mạch có tên là Vestas sản xuất. Đây là lần đầu tiên công nghệ tháp gỗ của Modvion được tích hợp với tuabin Vestas.
Modvion nói với Đài BBC rằng, họ đặt mục tiêu mở một nhà máy vào năm 2027 để sản xuất 100 tuabin gió bằng gỗ kiểu thế này mỗi năm. Giám đốc điều hành Modvion, Otto Lundman cho biết: “Đây là sự khởi đầu của ngành công nghiệp xanh mới. Bằng cách sử dụng nguyên liệu thô của Bắc Âu và công nghệ của Thụy Điển, chúng tôi có thể tạo ra năng lượng gió mà không tác động mạnh đến tình trạng đổi khí hậu toàn cầu”.