Người dân là trung tâm
Vĩnh Phúc coi xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Vĩnh Phúc luôn nhất quán việc lấy lợi ích của người dân làm mục tiêu, động lực trong xây dựng.
Tỉnh Vĩnh Phúc chủ trương xây dựng các Làng văn hóa kiểu mẫu trở thành nơi đáng sống, phát triển đồng bộ, toàn diện, bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng an ninh; giữ được sự cân bằng sinh thái, hài hòa với thiên nhiên, bản sắc văn hoá dân tộc; người dân có cuộc sống ổn định, ấm no và hạnh phúc.
Hướng tới đối tượng trung tâm là người dân, Nghị quyết số 06/2023/NQ-HĐND ngày 5/5/2023 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc về việc Ban hành Quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn, giai đoạn 2023-2030 nêu rõ 16 chính sách hỗ trợ, cụ thể:
Hỗ trợ mô hình kinh doanh dịch vụ thương mại; hỗ trợ mô hình điểm du lịch cộng đồng; Hỗ trợ mô hình du lịch homestay, farmstay; hỗ trợ mô hình vườn sản xuất; hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà có giá trị kiến trúc; hỗ trợ vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh thông qua Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội Vĩnh Phúc.
Hỗ trợ lập quy hoạch; hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; hỗ trợ tu bổ, tôn tạo và phát huy gia trị di tích được xếp hạng; hỗ trợ duy trì thường xuyên hạ tầng, cảnh quan và môi trường; hỗ trợ phục dựng, bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống.
Hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao; hỗ trợ quy tập các mộ riêng lẻ về nghĩa trang; hỗ trợ sắp xếp lại các cột điện, đường dây điện hạ thế để đảm bảo an toàn giao thông, cảnh quan; hỗ trợ đào tạo nhân viên y tế thôn, tổ dân phố đạt chuẩn do Bộ Y tế quy định; hỗ trợ tự nguyện dừng hoạt động chăn nuôi trong khu dân cư.
Người dân là chủ thể
Để triển khai có hiệu quả chủ trương xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các địa phương phát huy cao nhất vai trò của cả hệ thống chính trị, người đứng đầu trong triển khai thực hiện các nghị quyết. Đặc biệt, sẽ tuân thủ đúng nguyên tắc tập trung dân chủ "dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra", tránh sự áp đặt, chủ quan duy ý chí khi triển khai các nội dung, chương trình.
Đồng thời, sẽ quán triệt nghị quyết của HĐND tỉnh về tiêu chuẩn, tiêu chí, cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, từ đó, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, các hội, đoàn thể trong tuyên truyền, phổ biến để các tầng lớp nhân dân hiểu, cùng vào cuộc với chính quyền, chung sức, đồng lòng quyết tâm thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu…
Cái mới của “Làng văn hóa kiểu mẫu” sẽ là đầu tư đồng bộ, đầy đủ các thiết chế văn hóa, thể thao, tâm linh phù hợp với vùng miền cũng như sẽ đầu tư cơ chế hỗ trợ, giúp người dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng từ chính mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu”.
Đây là một mô hình chưa có tiền lệ, vừa làm vừa lắng nghe, vừa đúc rút kinh nghiệm nhưng tỉnh kỳ vọng chỉ sau một thời gian sẽ hình thành những ngôi làng giàu có gắn liền với nghề rèn, nghề gốm hay các di tích độc đáo và quan trọng hơn cả là người dân được trực tiếp tham gia xây dựng, vận hành cũng như thụ hưởng.
Vĩnh Phúc đặt ra mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2030, có tối thiểu 60 làng được xây dựng đạt các tiêu chí của Làng văn hóa kiểu mẫu do cấp có thẩm quyền ban hành, trong đó: đến hết năm 2025, hoàn thành 30 làng và đến năm 2027, hoàn thành 60 làng với các đặc trưng cơ bản về cấu trúc không gian, kiến trúc cảnh quan được bảo tồn và chỉnh trang kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; môi trường cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, văn minh, giàu bản sắc văn hoá truyền thống; đời sống văn hoá, tinh thần của người dân lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tự quản.