Ngày 25/10, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương tiếp tục phiên xử sơ thẩm liên quan vụ cháy karaoke An Phú (phường An Phú, TP Thuận An, Bình Dương) khiến 32 người chết cách đây hơn 2 năm (6/9/2022).
Đại diện VKS đánh giá đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi phạm tội của các bị cáo xâm hại đến quản lý nhà nước về PCCC, gây thiệt hại tính mạng của nhiều người, hoang mang dư luận và an ninh trật tự tại địa phương.
Viện kiểm sát đã đề nghị mức án đối với từng bị cáo.
Trong đó, Phạm Thị Hồng (cựu đội phó Đội tổng hợp Phòng hướng dẫn, chỉ đạo về chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tỉnh Bình Dương) bị đề nghị cao nhất, từ 7 - 8 năm tù. Trong phiên xét xử hôm qua (24/10), Hồng khóc cho rằng mình không phạm tội và kêu oan.
Hồng khẳng định không nhận thầu thi công hệ thống phòng PCCC cho quán karaoke An Phú mà chỉ giới thiệu người thi công cho chủ quán. Trong khi đó các bị cáo khác đều cho rằng lời khai của Hồng "không trung thực".
Lê Anh Xuân - chủ quán karaoke An Phú bị đề nghị mức án từ 5 - 6 năm tù về tội "vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy".
Trong phần trả lời thẩm vấn, Lê Anh Xuân cho biết hôm xảy ra hỏa hoạn bị cáo đang ở nhà xem tivi thì vợ chạy về khóc, nói quán bị cháy. Công tác cứu hộ diễn ra liên tục đến 5h sáng hôm sau thì lửa tiếp tục bùng lên.
Sau một ngày chữa cháy, cảnh sát phát hiện 32 người chết và 3 người bị thương.
Lê Anh Xuân khai, cha bị cáo (đã chết) là người liên hệ với đơn vị thi công và người có chức trách làm hồ sơ giấy phép hoạt động PCCC. Bị cáo chỉ ký vào các giấy tờ hồ sơ do ông đưa lại, không liên quan hay quen biết Phạm Thị Hồng.
Xuân chỉ gặp Hồng một lần vào buổi trưa, khi cha gọi nói mang 50 triệu đồng lên trả tiền cho Hồng.
Năm 2019, cha phải điều trị bệnh, Xuân nghe lời cha nghỉ việc để quản lý quán karaoke An Phú. Lúc Xuân tiếp quản công việc thì cơ sở này đã hoạt động.
"Bị cáo không nắm rõ việc kinh doanh karaoke phải có điều kiện gì, vì trước đó ba bị cáo làm hết",Xuân khai và thừa nhận bản thân có thiếu sót, không kiểm tra lại các vấn đề khi hoạt động.
Bị cáo Nguyễn Thành Luân - Giám đốc Công ty TNHH MTV Thái Bình (doanh nghiệp có đủ chức năng thiết kế, thi công các hạng mục liên quan đến PCCC) nói quen biết Hồng từ đầu năm 2017. Tuy không thi công hệ thống PCCC cho cơ sở An Phú do Hồng đứng ra nhận thầu, nhưng khi được Hồng nhờ ký vào biên bản đơn vị thi công, bị cáo đã đồng ý vì nể nang.
Thêm 2 nhân chứng cũng khai là người trực tiếp thi công cho quán karaoke An Phú, họ nhận xây dựng công trình từ Hồng với giá 100-120 triệu đồng. Không chỉ quán karaoke An Phú, 2 người này còn thi công một số quán khác cho Hồng.
"Trong vụ án này, bị cáo Hồng không thừa nhận hành vi của mình. Tuy nhiên, căn cứ vào hồ sơ và lời khai của các bị cáo Xuân, Hùng, Luân và 2 người làm chứng, đủ cơ sở xác định Hồng sai phạm như cáo trạng nêu",đại diện VKS khẳng định việc truy tố các bị cáo là đúng người đúng tội.
Bị cáo Vũ Trường Sơn và Phạm Quốc Hùng (đều là cựu cán bộ Phòng cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn tỉnh Bình Dương) cùng bị đề nghị mức án từ 5 - 6 năm tù về tội "vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy".
Bị cáo Nguyễn Văn Võ - cựu cán bộ của Đội cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn Công an TP Thuận An bị đề nghị mức án 3 - 4 năm tù về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Bị cáo Nguyễn Thành Luân - giám đốc Công ty TNHH MTV Thái Bình Anh bị đề nghị mức án 3 - 4 năm tù về tội "vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy".
Thân nhân các bị hại đòi bồi thường chi phí mai táng, cấp dưỡng... tổng cộng khoảng 28 tỷ đồng, được tòa ghi nhận.
Tuy nhiên, tất cả đại diện người bị hại đều xin HĐXX giảm án cho Lê Anh Xuân vì gia đình Xuân đã hỗ trợ cho họ sau sự việc. Bên cạnh đó bản thân Xuân cũng chịu nhiều hậu quả nặng nề sau hỏa hoạn.