Dòng chất thảichảy ra từ các hộ gia đình, ngành nông nghiệp thường giàu hợp chất carbon. Những chất này có thể bị giữ lại khi chất rắn sinh học được tách khỏi nước thải, đem đến các bãi chôn lấp. Tại đây, chúng được xử lý bởi các vi sinh vật, hoặc đem đốt, nhưng cả hai hình thức xử lý này đều giải phóng carbon vào khí quyển.
Vì thế, mới đây các nhà nghiên cứu tại Đại học RMIT ở Úc hoàn thiện công nghệ mới, cho phép chuyển đổi chất thải hữu cơ thành nguồn tài nguyên hữu ích.
Công nghệ này có tên thương mại là PYROCO, sử dụng nhiệt độ cao trong điều kiện không có oxy, để chuyển đổi chất thải giàu carbon (tàn dư thực vật rau củ, dăm gỗ, phân bón dư thừa, chất thải hữu cơ nông nghiệp) thành sản phẩm gọi là than sinh học, có thể ứng dụng thực tế trong nhiều thứ khác nhau.
Trong kỹ thuật này, chất rắn sinh học được xử lý ở nhiệt độ cao, loại bỏ tất cả mầm bệnh, chất Per-and Polyfluoroalkyl Substances (PFAS), cũng như các vi hạt gây hại cho con người và môi trường, để tạo ra than sinh học có carbon được khóa ở dạng ổn định không thể bay vào khí quyển.
Than sinh học rất hữu ích trong việc chế tạo điện cực carbon cho pin và các thiết bị lưu trữ năng lượng khác, hoặc dùng nó để lọc nước.
Kalpit Shah, Phó giáo sư Kỹ thuật hóa học tại Đại học RMIT ở Úc cho biết:“Những thử nghiệm mà chúng tôi vừa hoàn thành hướng tới việc mở rộng quy mô công nghệ nhiệt phân cải tiến PYROCO. Nhóm nghiên cứu đang tiến tới thương mại hóa phương pháp tiếp cận này, hy vọng rằng nó sẽ cung cấp giải pháp tân tiến, tối ưu trong việc xử lý chất thải rắn sinh học”.