Nghiên cứu trên do nhóm nhà khoa học đa quốc gia từ 17 viện nghiên cứu ở Trung Quốc, Mỹ, New Zealand, Italy và Pháp thực hiện. Họ phát hiện ra rằng trong 5 năm liên tiếp, nhiệt độ các đại đương đều xác lập kỷ lục mới, trong đó 2023 là năm ghi nhận nhiệt độ cao nhất từ trước tới nay.
Ông Cheng Lijing, tác giả chính của nghiên cứu và là nhà nghiên cứu tại Viện Vật lý Khí quyển thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc, cho biết tình trạng ấm lên của các đại dương là một chỉ số quan trọng để đánh giá biến đổi khí hậu, vì đại dương hấp thụ hơn 90% lượng nhiệt dư thừa từ tình trạng ấm lên toàn cầu.
So với năm 2022, phần nước bề mặt dày 2.000m trên các đại dương đã hấp thụ một lượng nhiệt lớn hơn, đủ để đun sôi 2,3 tỷ bể bơi kích thước chuẩn Olympic. Yếu tố này đã làm nhiệt độ nước biển tăng. Cụ thể, so với năm 2022, nhiệt độ mặt nước biển trung bình toàn cầu năm 2023 đã tăng 0,23 độ C.
Cũng theo nghiên cứu, đại dương ấm lên sẽ làm giảm lượng oxy trong nước biển và khả năng hấp thụ carbon dioxide (CO2), dẫn đến hệ lụy nghiêm trọng đối với đời sống động, thực vật trong lòng đại dương. Hơn thế nữa, tình trạng này còn làm gia tăng hiện tượng thời tiết cực đoan.
Nhiệt độ và độ ẩm tăng thêm xâm nhập vào khí quyển khiến các cơn bão gia tăng cường độ với mưa lớn hơn, gió mạnh hơn và lũ lụt nghiêm trọng hơn.
Theo các nhà khoa học, tình trạng nóng lên của đại dương là hiện tượng không thể đảo ngược và sẽ tồn tại trong suốt thế kỷ này, ngay cả khi lượng phát thải khí nhà kính có thể không tăng.
Ông Cheng Lijing nhấn mạnh điều này đặt ra những thách thức mới đối với công tác quản trị khí hậu, không chỉ đòi hỏi giảm phát thải và tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo mà còn phải tập trung nhiều hơn vào việc thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nhà nghiên cứu này đồng thời kêu gọi các nước cần tăng cường khả năng giám sát khí hậu và cải thiện hệ thống dự báo cũng như cảnh báo sớm để ngăn ngừa thảm họa.