Ngày 6/12, tại Hà Nội, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam phối hợp cùng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức Hội thảo “Đồng xử lý chất thải rắn trong lò hơi tầng sôi tại các nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp từ nguyên liệu giấy thu hồi”.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Việt Đức - Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho biết: Ngành giấy là một trong những ngành kinh tế lớn, có tầm quan trọng trong cơ cấu kinh tế nói chung và kinh tế công nghiệp nói riêng. Ngành giấy vẫn luôn xác định bảo vệ môi trường, hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, việc xử lý, tái chế và tái sử dụng hoàn toàn các chất thải là một trong những mục tiêu quan trọng của chiến lược phát triển ngành trong những năm tới. Trong những năm gần đây, nhằm đáp ứng nhu cầu giấy bao bì làm hòm hộp cho sản phẩm hàng hóa tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu, ngành công nghiệp giấy đã có sự phát triển vượt bậc về đầu tư công suất mới và gia tăng sản lượng, nhất là về sản xuất giấy bao bì công nghiệp từ nguyên liệu giấy thu hồi.
Theo ông Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, tại các nhà máy sản xuất giấy, bột giấy nói chung hay các nhà máy sản xuất giấy bao bì từ nguyên liệu giấy thu hồi có một lượng lớn rác thải công nghiệp thông thường cần xử lý. Bình quân để sản xuất ra 1 tấn sản phẩm giấy bao bì công nghiệp từ nguyên liệu giấy thu hồi thì nhà máy sẽ thải ra khoảng 120kg rác thải, trong đó lượng rác thải có thể thu hồi và tái chế, tái sử dụng chiếm một tỷ trọng lớn. Trước thực trạng đó, kinh tế tuần hoàn là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp giảm lượng chất thải, bảo vệ môi trường, góp phần đạt được mục tiêu về kinh tế xanh, kinh tế cácbon thấp.
Tại Hội thảo, đại diện cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia, nhà khoa học đã chia sẻ thông tin về cơ sở khoa học và thực tiễn sản xuất trong việc sử dụng lò hơi tầng sôi đồng xử lý chất thải rắn của các nhà máy sản xuất giấy bao bì từ nguyên liệu giấy thu hồi. Từ đó, đưa ra các khuyến nghị nhằm thúc đẩy việc xử lý chất thải rắn trong lò hơi tầng sôi tại các nhà máy giấy ở Việt Nam.
Theo đánh giá của các chuyên gia, ngành giấy là ngành sản xuất điển hình, phù hợp nhất với việc thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn, hầu như toàn bộ phế liệu, chất thải rắn từ quá trình sản xuất đều có thể thu hồi, tái chế, tái sử dụng tới 100%. Việc cho phép sử dụng lò hơi tầng sôi đồng xử lý chất thải tại nhà máy sẽ tiết kiệm được tài nguyên, tiết kiệm được chi phí đầu tư và chi phí sản xuất, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và xã hội, góp phần bảo vệ môi trường và hướng tới nền kinh tế xanh, bền vững và mô hình kinh tế tuần hoàn.
Để thực hiện được những điều này tại Việt Nam, các chuyên gia khuyến nghị cần tiếp tục nâng cao nhận thức, hiểu biết về các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt; Khảo sát chính thức toàn diện và đánh giá hiệu quả của loại hình đồng xử lý này cả về mặt kinh tế và môi trường trong phạm vi toàn ngành trên cả nước để làm căn cứ xây dựng các giải pháp triển khai.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ cho việc khuyến khích đầu tư đồng xử lý chất thải rắn trong lò hơi nhằm tiết giảm chi phí đầu tư và vận hành, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiêp. Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện việc thiết kế chế tạo thiết bị và chế độ công nghệ cho việc đồng xử lý chất thải rắn trong lò hơi tầng sôi. Nghiên cứu bộ tiêu chí đánh giá, cấp phép cho các lò hơi với loại hình công nghệ này.