Từ ngày 27/10 đến ngày 1/11, Hội nghị lần thứ 13 các Bên tham gia Công ước Vienna về bảo vệ tầng Ozone (COP13), Cuộc họp lần thứ 36 các Bên tham gia Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng Ozone (MOP36) và Hội thảo về quản lý vòng đời các môi chất lạnh được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Liên hợp quốc Bangkok, Thái Lan.
Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường - Trưởng đoàn Việt Nam, đã có bài phát biểu tại phiên họp.
Theo ông Nguyễn Tuấn Quang, Việt Nam phê duyệt Kế hoạch quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng Ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát tại Quyết định số 496/QĐ-TTg của Thủ tướng tháng 6/2024.
Kế hoạch đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng từ nay đến năm 2045, không chỉ tập trung vào quản lý, loại trừ các chất được kiểm soát mà còn gồm các hoạt động khác như quản lý thiết bị có chứa các chất được kiểm soát, hiệu quả năng lượng, làm mát thụ động cũng như việc thu gom, tái chế và tiêu hủy các chất.
Kế hoạch đặt ra mục tiêu hướng đến năm 2045 để Việt Nam giảm tiêu thụ 11,2 triệu tấn CO2tđ từ các hoạt động liên quan loại trừ đến các chất được kiểm soát.
Trong những năm gần đây, Việt Nam triển khai nhiều hoạt động với các đối tác liên quan để từng bước tích hợp và triển khai quản lý vòng đời các chất được kiểm soát và các hoạt động về làm mát bền vững, ông Nguyễn Tuấn Quang nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ Hội nghị COP13 - Cuộc họp MOP36, Đoàn Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia các phiên toàn thể; gặp mặt, trao đổi với bà Megumi Seki, Thư ký điều hành Ban Thư ký Ozone quốc tế và có các buổi làm việc song phương với các đối tác của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP); Bộ Môi trường Nhật Bản; Trung tâm làm mát của Liên minh Khí hậu và Không khí sạch (CCAC); Trung tâm hợp tác về môi trường của Nhật Bản (OECC).
Đồng thời, thành viên của Đoàn đã tham gia và có ý kiến tại các cuộc họp nhóm làm việc về các nội dung liên quan của Công ước Vienna, Nghị định thư Montreal. Theo thống kê, đánh giá của Ban Thư ký Ozone quốc tế, Việt Nam đã giảm 220 triệu tấn CO2 tương đương từ loại trừ tiêu thụ các chất được kiểm soát kể từ khi tham gia Công ước Vienna, Nghị định thư Montreal đến nay.
Trong ba ngày từ ngày 27 - 30/10, tại phiên họp kỹ thuật chuẩn bị Hội nghị COP13 - Cuộc họp MOP36, các quốc gia thành viên đã thảo luận về các nội dung được thảo luận tại Cuộc họp lần thứ 46 Nhóm công tác mở rộng của các bên tham gia Nghị định thư Montreal (OEWG46) tổ chức tháng 7/2024 tại Montreal, Canada, bao gồm:
- Báo cáo tài chính và ngân sách của các Quỹ tín thác thực hiện Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal;
- Xem xét, đánh giá các nội dung liên quan đến Nghị định thư Montreal như: tư cách thành viên các ban thuộc Nghị định thư Montreal năm 2025, Hydrofluorocarbon-23 (HFC-23), quản lý vòng đời các môi chất lạnh, các chất có vòng đời ngắn, sử dụng chất được kiểm soát là nguyên liệu sản xuất, tăng cường giám sát khí quyển toàn cầu và khu vực đối với các chất được kiểm soát theo Nghị định thư Montreal, tăng cường thể chế để phòng chống thương mại bất hợp pháp, vấn đề nhập khẩu không mong muốn các sản phẩm, thiết bị không tiết kiệm năng lượng, tăng hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực làm mát, các vấn đề về tuân thủ, báo cáo dữ liệu và các nội dung quan trọng khác;
- Xem xét, đánh giá các nội dung liên quan đến Công ước Vienna như báo cáo cuộc họp lần thứ 12 của các Nhà quản lý nghiên cứu Ozone; tình trạng của Quỹ tín thác để tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu và quan sát có hệ thống liên quan đến Công ước Vienna.