Tại Hội nghị Vietnam Circular Economy in Action (VCEA) 2024 – Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, các diễn giả đã nhấn mạnh vai trò tiên phong của kinh tế tuần hoàn trong việc phát triển bền vững tại Việt Nam.
Theo các chuyên gia, Việt Nam đang phải đối mặt với áp lực lớn về ô nhiễm môi trường, gia tăng rác thải, khan hiếm tài nguyên. Việc áp dụng mô hình tuần hoàn tại Việt Nam trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Đặc biệt là trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, bao bì và may mặc.
Kinh tế tuần hoàn hoạt động theo một vòng tròn, chất thải của hoạt động này là nguyên liệu của hoạt động mới, tạo ra một vòng lặp lại mang tính khép kín. Nhờ đó, các giá trị của sản phẩm, nguyên vật liệu và tài nguyên được duy trì trong nền kinh tế ở mức độ lâu nhất, nhằm sử dụng tài nguyên một cách tối thiểu.
Bà Lê Kim, Nhà sáng lập Công ty CL2B – đơn vị tư vấn, quản lý về kinh tế tuần hoàn cho biết, nền kinh tế tuần hoàn được hiểu đơn giản là nền kinh tế với nguyên tắc tái tạo. Các loại tài nguyên, khoáng sản, rác thải được vận hành theo hướng có thể tái tạo.
“Tôi ví dụ, một quốc gia hướng tới sự tái tạo sẽ nâng cao hệ thống quản lý khai thác khoáng sản một cách phù hợp. Ngoài ra, quốc gia đó cũng sẽ thu hút đầu tư với những nhóm ngành nhằm phát triển nguồn cung bền vững, hướng tới đảm bảo vững chắc an ninh kinh tế, an ninh xã hội",bà Kim nói.
Theo bà Kim, bà mong muốn Việt Nam tăng trưởng kinh tế nhưng không còn gắn với rủi ro cạn kiệt tài nguyên. Đất nước sẽ trở thành một nền kinh tế tái tạo, nơi kinh doanh và thiên nhiên phát triển song hành. Kinh tế tuần hoàn không chỉ là cơ hội chuyển hóa của doanh nghiệp mà các cá nhân cũng cần thay đổi cách nhìn nhận về việc phát triển kinh tế, xã hội.
Cũng theo bà Kim, Việt Nam cần chuyển đổi mô hình kinh doanh một cách sáng tạo dựa trên dữ liệu, chính sách minh bạch.
Còn theo ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), việc phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều thách thức. Điển hình như việc nhận thức của người dân về kinh tế tuần hoàn chưa tốt, nhất là trong ngành nông nghiệp.
Thách thức tiếp theo chính là nguồn lực tài chính dành cho kinh tế tuần hoàn chưa nhiều. Việc thẩm định cho vay đối với các mô hình kinh tế tuần hoàn vẫn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc thực thi kinh tế tuần hoàn cũng gặp nhiều rào cản.
Ông Nguyễn Hoa Cương cho rằng, để kinh tế tuần hoàn phát triển thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ngân hàng Nhà Nước để thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ.
Mỗi Bộ, ngành sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình, điển hình như Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thực hiện các công tác hỗ trợ liên quan đến vấn đề môi trường, Ngân hàng Nhà Nước sẽ đưa ra các chương trình tín dụng xanh…
Bên cạnh đó, các đơn vị sẽ định hướng, tăng cường nhận thức cho người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về kinh tế tuần hoàn để mọi người cùng thay đổi, hướng đến phát triển bền vững.
Theo ông Cương, trong 400 doanh nghiệp vừa được Viện Quản lý Kinh tế Trung ương khảo sát thì có đến hơn 40% doanh nghiệp nhận thức được lợi ích về môi trường mà kinh tế tuần hoàn đem lại. Các doanh nghiệp đều hiểu kinh tế tuần hoàn mang lại nhiều giá trị tốt đẹp, bảo vệ môi trường, giảm phát thải, giảm chi phí nhân công...
Cũng theo ông Cương, trong thời gian tới, các cơ quan quản lý cần phải tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa để người dân, doanh nghiệp thay đổi phương thức sản xuất cũ. Ngoài ra, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải ban hành những chính sách hiệu quả hơn và quản trị hiệu quả hơn. Các doanh nghiệp cũng cần gia tăng sự tương tác với nhau để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn đi nhanh hơn, xa hơn.
Ông Kai Hofmann - Giám đốc dự án Tiêu dùng và Sản xuất bền vững tại Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) nhận định, phát triển kinh tế tuần hoàn là một tiến trình dài. Tuy nhiên, kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam đang đi sớm hơn và nhanh hơn nhiều quốc gia. Cộng đồng doanh nghiệp của Việt Nam cũng rất năng động, thích nghi tốt và có trách nhiệm với môi trường.