【h2 tbn】Những nhà báo không thẻ
(CMO) Nghề báo là nghề của gian lao và vinh quang. Bài viết này xin dành để tri ân những người đồng nghiệp của chúng tôi, đó là anh em đang công tác tại các đài truyền thanh tuyến huyện. Hơn ai hết, những người làm báo cơ sở có sự am hiểu, sâu sát với đời sống, trăn trở với từng nhịp đời, chia sẻ với người dân cả niềm vui và nỗi buồn.
Đọc những tác phẩm của anh em, tự nhiên thấy mình còn rất nhiều điều cần cố gắng. Các bài viết ngồn ngộn chất liệu của hiện thực, nóng hổi thời sự và chất chứa biết bao nhiêu tâm huyết, tình cảm. Anh em chưa bao giờ có thẻ nhà báo để thỉnh thoảng “khoe” với mọi người. Nhưng với chúng tôi, các bạn đồng nghiệp là những nhà báo chân chính nhất. Các bạn đã làm đẹp thêm cho nghề báo, làm sáng lên hình ảnh của người làm báo cách mạng hôm nay.
Phóng viên Đài Truyền thanh huyện Cái Nước tác nghiệp.Ảnh: Thanh Nhàn |
Là phóng viên “đồn trú” ở địa bàn Ngọc Hiển, tôi may mắn được quen và chơi thân với hầu hết anh em "nhà đài". Lúc trước, chưa có đường Hồ Chí Minh, chưa có cầu Năm Căn, xuống Ngọc Hiển chỉ có cách đi cao tốc. Đã đi là đi vài ngày. Ngọc Hiển khi ấy buồn lắm. Đói bụng cũng không có tiệm bán cơm. Vậy là anh em tập trung hết lại căn bếp của Đài Truyền thanh huyện. Có bữa đang nghỉ bên phòng khách của Huyện uỷ, anh Võ Hoàng Hiện (nguyên Trưởng Đài Truyền thanh Ngọc Hiển, bây giờ là Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã Viên An) điện qua hỏi thăm: “Chú ăn cơm chưa?”. Nghe tới câu này tự nhiên muốn rớt nước… miếng. Đói, đói quá trời. Vậy là tình cảm của chúng tôi cứ đầy lên như con nước rong xứ biển. Nhớ anh Hiện, cả ngày cuối cùng khi rời cương vị trưởng đài cũng ngỏ ý: “Anh chở chú đi cơ sở chuyến cuối, anh có quyết định chuyển công tác rồi”.
Phóng viên Đài Truyền thanh huyện Ngọc Hiển tác nghiệp trong điều kiện khó khăn.Ảnh: Trang Anh. |
Ở Ngọc Hiển, anh Chí Hiểu (phóng viên Lê Chí Hiểu) là người làm tôi cứ thắc mắc hoài. Bình thường, anh Hiểu nói chuyện cà lăm, khi hát thì giọng đi đằng giọng, dây đi đằng dây, vậy mà lạ, khi ngồi vào bàn thu âm thì giọng lảnh lót, trầm ấm và truyền cảm vô cùng. Đi cơ sở với anh Hiểu, tôi vững bụng lắm. Cái cách bà con cơ sở đối với anh như con em ruột thịt, cán bộ địa phương thì vô cùng nhiệt tình khiến mình mắc “ghen hàng sáo”. Làm báo được bao nhiêu đó coi như có cái “lận lưng” đem về. Một phóng viên của Đài Truyền thanh, nói không quá, là những nhà báo đa năng (một xu hướng tích hợp của báo chí hiện đại mà chúng tôi còn lâu mới theo kịp). Ai không biết, chớ anh Chí Hiểu, vừa phát thanh viên, vừa báo hình, vừa báo nói, vừa báo viết, kiêm thêm nghiệp vụ nhiếp ảnh. Mà cái chúng tôi quý anh Hiểu nhất là anh hiền, uy tín. Bài đặt hàng đã hứa là đâu vô đó, sản phẩm “rất sạch” và hầu như chẳng phải biên tập gì nhiều.
Sau này, anh Đoàn Thanh Chính làm Trưởng Đài Truyền thanh Ngọc Hiển, câu đầu tiên ảnh nói với chúng tôi: “Anh từ trung tâm dạy nghề chuyển qua, "mù chữ" em ơi. Em có gì trao đổi và giúp anh để hoàn thành nhiệm vụ”. Cái mà tôi khâm phục ở anh là khả năng làm quen nhanh với không khí báo chí. Nói thật, tay ngang như anh mà vô nghề thì “chua lắm”. Nhưng như ở đời người ta hay nói, có lòng tất có kết quả tốt. Giờ đây, lâu lâu anh lại gởi lên những tác phẩm báo chí đầu tay của mình, trong đó chúng tôi thấy cả sự trân quý nghề nghiệp của anh. Lúc tôi về thực hiện các loạt bài, hoặc những sự kiện đột xuất tại cơ sở, Đài Ngọc Hiển trở thành ngôi nhà thực sự. Lãnh đạo huyện, anh em Văn phòng Huyện uỷ, UBND đã rất tốt, còn đồng nghiệp chúng tôi đối với nhau như người nhà. Bởi vậy, mỗi chuyến chuẩn bị đi Ngọc Hiển, lòng tôi lại thấy khấp khởi, nó khác với cảm giác xa xôi khi đi một chuyến dài nhất, xa nhất của địa bàn tỉnh nhà.
“Mình làm nghề cực một, chị em phụ nữ cực mười”, cánh mày râu chúng tôi thường tâm sự với nhau về những đồng nghiệp nữ như thế. Chân yếu tay mềm mà cầm xe gắn máy chạy ngời ngời, trong lòng chỉ có đề tài, nhân vật, bài viết, hình ảnh, mặc kệ nắng, mưa. Mấy chị có chồng, con, đặc biệt là con nhỏ, khiến chúng tôi không khỏi ái ngại. Có lần, chị đồng nghiệp cho biết: “Sự nghiệp báo chí của chế có công của ông bà nội ngoại, cô, dì, chú, bác và nhất là chồng. Nhiều lúc “căng” lắm, nhất là khi em bé còn nhỏ...”. Huy động cả họ hàng, gia đình vào sự nghiệp báo chí, quả thật là điều không tưởng, nhưng các chị làm được, thật đáng nể. Thử làm cái so sánh nhỏ. Người ta ăn mặc tươm tất, váy áo điệu đà, ngồi phòng lạnh, làm việc nhẹ nhàng. Còn phía này, chị em nhà báo bụi bặm, sương gió, xốc vác và cứ đi, đi miết. Cả hơn trăm xã, phường, hầu hết phóng viên chúng tôi đi qua. Về tới đâu liên hệ công tác, hỏi tên chị này, chị nọ ai cũng biết, đó là sự ghi nhận giản đơn nhất nhưng cũng ý nghĩa nhất với người làm báo.
Kiều Oanh vừa là phát thanh viên, vừa là phóng viên với niềm đam mê nghề luôn cháy bỏng.Ảnh: Chí Thanh |
Gần đây, mỗi lần đọc bài viết của Ngọc Minh và Kiều Oanh, Đài Truyền thanh huyện Trần Văn Thời, anh em chúng tôi cứ tấm tắc. Tay viết chắc, cách khai thác đề tài rất “có nghề”, bám chặt vào hơi thở cuộc sống. Chúng tôi cũng không có ý định hỏi sâu thêm về chuyện riêng của hai đồng nghiệp nữ này, chỉ hiểu với nhau rằng, để đến với nghề, cả hai bạn đều trải qua rất nhiều thử thách trong cuộc sống. Riêng Kiều Oanh, mặc dù xuất phát điểm là phát thanh viên, nhưng bằng đam mê, sự tận lực học hỏi đã có riêng cho mình những tác phẩm báo chí "đóng đinh" vào lòng độc giả. Tờ báo Đảng của Cà Mau có những cây viết như các bạn, những tác phẩm của các bạn làm tăng thêm một phần sức mạnh. Mục đích của báo chí ngoài những lý luận cao siêu còn là những điều rất bình dị và gần gũi. Bạn Ngọc Minh, khi đọc bài của bạn, người ta thấy con cá bổi Trần Văn Thời sao mà lận đận quá. Ở trong những nhánh quê xa, thì ra vẫn còn biết bao nhiêu phận đời cần được hỗ trợ, giúp đỡ. Bạn Kiều Oanh, nhân vật làm việc thiện bằng cách mót lúa của bạn, đọc xong thấy trong lòng cứ ngổn ngang bao suy tư về nhân thế. Như anh em chúng tôi đưa ra kết luận rồi, nghề này các bạn nữ phải hy sinh nhiều lắm. Nhưng cũng sòng phẳng rằng, có hy sinh là một chuyện, nhưng để có tác phẩm hay lại là chuyện hoàn toàn khác. Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng tôi dành cho các bạn đồng nghiệp nữ những tình cảm chân thành nhất, cảm phục nhất trong trái tim của mình.
Về Phú Tân, nghe anh Nguyễn Quốc Hiệp, Trưởng Đài, kể lại quá trình làm báo mà xót xa. Anh Hiệp nhớ lại: “Về đây khi tách huyện năm 2004, có 3 anh em. Mấy tháng sau mới lắp được chục cái loa để phát thanh có dây”. Đài Phú Tân bắt đầu từ những thiếu thốn: thiếu người, chưa có chỗ để xây dựng đài, thiếu phương tiện kỹ thuật, nhưng như lời anh Hiệp: “Anh em có niềm tin, có đam mê với nghề”. Nghiệp vụ báo chí, nôm na là nghề dạy nghề, anh em Đài Phú Tân dìu dắt nhau, vượt qua mọi khó khăn để vươn lên trở thành một đài địa phương có hoạt động chuyên môn vững vàng. Phóng viên Anh Phan (Phan Anh Phùi) tiết lộ: “Học hết 12 là mê nghề, xin làm cu li, từ từ đi học, bây giờ nghề là cuộc sống, là máu thịt rồi”. Anh Phan cũng là “nhân vật” đa năng của Đài Phú Tân: viết, quay, chụp ảnh, phát thanh viên, thể hiện trên tất cả các loại hình báo chí.
Một chuyện được anh em Phú Tân kể lại, vui cũng vui, nhưng trong đó còn là những vất vả của anh em làm báo cơ sở: “Trước chưa có đường sá gì, đài được cấp cái máy honda 13, chiếc vỏ lãi. Nhưng chạy tốn xăng quá, nên anh em toàn tranh thủ đi ké các đoàn công tác”, anh Hiệp nói và nháy mắt ra dấu: “Đây là kỹ năng tác nghiệp đó, hổng giỡn chơi đâu”. Đi ké hoài cũng đâu được, vậy là anh em lại xông pha cơ sở trên chiếc vỏ lãi được cấp. Chẳng may bị chìm. Lúc định thần rồi thì chỉ có một nỗi lo duy nhất: “Kiểu này mai mốt lấy gì đi công tác”. Nghề báo là vậy. Đôi khi máy móc, phương tiện làm nghề còn quan trọng hơn chính bản thân mình. Mỗi con chữ viết ra, mỗi tác phẩm thành hình có trong đó cả quãng đường đi cơ sở đôi khi lên tới hàng trăm cây số, có cả mồ hôi, nước mắt, sự kiên trì và đôi khi là nguy hiểm của người cầm bút.
Cũng trong những lúc tâm tình với nhau, anh em cơ sở lâu lâu lại hỏi mượn thẻ nhà báo của chúng tôi để xem. Cái thẻ là cái thẻ, nhưng đó là sự thừa nhận bằng pháp lý, danh chính ngôn thuận của nghề báo. Vậy rồi có bạn đồng nghiệp ngẩn ngơ: “Hổng biết chừng nào mình mới có ta?!”. Câu hỏi chỉ để hỏi mà chẳng biết phải trả lời sao. Ừ thì, anh em mình không có thẻ, nhưng cứ hỏi bà con coi, mấy anh là nhà báo, nhà báo thiệt sự đó chớ. Có đôi khi, cái thẻ không bằng sự thừa nhận của xã hội, của Nhân dân. Nghề báo mà, được đi, được viết, được hoà mình vào cuộc đời này… Còn có gì vui và ý nghĩa hơn thế
Phạm Nguyên
(责任编辑:Thể thao)
- ·Chính phủ thảo luận về dự thảo nghị định về kiểm tra ATTP hàng nhập khẩu
- ·VKS: Không đủ điều kiện miễn trách nhiệm hình sự cho 'bà trùm' Xuyên Việt Oil
- ·Triệt phá đường dây cá độ bóng đá 2.000 tỷ đồng
- ·Cảnh sát cơ động có được tạm giữ xe vi phạm luật giao thông không?
- ·Nhiều cửa khẩu với Trung Quốc khôi phục thông quan hàng hóa
- ·Truy tố vợ chồng tổng giám đốc trong đường dây mua gần 19.200 hóa đơn khống
- ·Khởi tố 13 thanh, thiếu niên ở Nghệ An mang dao kiếm đuổi đánh nhau trên đường
- ·Bắt kẻ đầu độc ao cá hàng xóm khiến cá chết hàng loạt
- ·GDP quý II năm 2022 tăng 7,72%, cao nhất thập kỷ
- ·Nộp 1,2 tỷ đồng khắc phục, cựu quyền Tổng Giám đốc SCB được đề nghị giảm án
- ·Chính phủ lập Tổ công tác gỡ khó cho bất động sản
- ·Khởi tố 13 thanh, thiếu niên ở Nghệ An mang dao kiếm đuổi đánh nhau trên đường
- ·Trả hồ sơ vụ 'phù phép' gần 4.000 xe gian thành xe mới xuất xưởng ở TP.HCM
- ·Cựu Thứ trưởng Công Thương cùng thuộc cấp bị cáo buộc nhận hối lộ 365.000 USD
- ·Lưu ý kiểm tra pin điện thoại Xiaomi khi mua mới hoặc cũ
- ·Hoãn phiên toà xét xử vụ nam sinh lớp 8 bị đánh tử vong khi chơi bóng rổ
- ·Cựu Thứ trưởng Công Thương cùng thuộc cấp bị cáo buộc nhận hối lộ 365.000 USD
- ·Biên phòng Quảng Trị liên tiếp bắt hai vụ, thu 1kg và gần 5.000 viên ma tuý
- ·Gần 195.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động
- ·Phó Giám đốc tham ô hơn 2,1 tỷ đồng để đánh bạc online