【truc tiep bd anh】Người khởi xướng đồng phục áo dài cho nữ sinh
(CMO) Một buổi sớm tinh mơ đầu năm học 1983-1984, người dân thị xã Cà Mau, tỉnh Minh Hải (nay là TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) hết sức ngỡ ngàng và thích thú khi khắp các nẻo đường trong nội thị bắt gặp hình ảnh nữ sinh Trường PTTH Hồ Thị Kỷ đến lớp trong trang phục trắng tinh tươm, tha thướt của chiếc áo dài. Hỏi ra mới biết, đó là chủ trương của cô Hiệu trưởng Ðàm Thị Ngọc Thơ. Và cô trở thành người khởi xướng việc mặc đồng phục áo dài cho nữ sinh trong cả nước sau giải phóng; cùng với đó, Trường PTTH Hồ Thị Kỷ cũng là ngôi trường đầu tiên trong toàn quốc sau ngày nước nhà thống nhất, cho nữ sinh đồng phục áo dài.
Nhắc lại sự kiện này, cô Ðàm Thị Ngọc Thơ vẫn còn bồi hồi xúc động: “Vào khoá học 1982-1983, bà Nguyễn Thị Bình (lúc đó là Bộ trưởng Bộ Giáo dục) xuống thăm tỉnh Minh Hải (nay là Cà Mau, Bạc Liêu). Bà có gợi ý vấn đề đồng phục trong nhà trường phổ thông cho có quy củ, nền nếp. Khi về tôi suy nghĩ, đã là học sinh Việt Nam mà là học sinh cấp 3 thì nữ nên đồng phục áo dài. Nó vừa duyên dáng, giúp học sinh trở nên dịu dàng, thuỳ mị, đồng thời chiếc áo dài cũng mang tính dân tộc, là quốc hồn trong y phục Việt Nam. Thế rồi tôi quyết định xin ý kiến cấp trên và thuyết phục Hội đồng Giáo dục nhà trường vận động phụ huynh và học sinh thực hiện việc đồng phục này”.
Những năm đó, điều kiện kinh tế còn khá khó khăn nên khi cô Hiệu trưởng Ðàm Thị Ngọc Thơ xin chủ trương UBND tỉnh thì được trả lời là cho phép vận động, được thì làm không thì thôi, không bắt ép. Là học sinh miền Nam đi tập kết, có học hành bài bản, nên việc cho học sinh đồng phục theo cô Thơ cũng là một yếu tố trong giáo dục, qua đó sẽ rèn cho các em tính kỷ luật, nền nếp, tác phong khoa học, hiện đại, làm hành trang vào đời, đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển của xã hội. Việc đồng phục còn giúp tạo sự bình đẳng trong học đường. Cô tâm tình: “Hàng ngày quan sát học sinh tôi thấy, có nhiều em ở thành thị nay quần này, mai áo nọ; còn các em học sinh nông thôn, học sinh nghèo thì thua sút, mặc cảm… Tôi lấy làm xót cho các em. Cho nên tôi càng quyết tâm vận động bằng được tất cả các em mặc áo dài, cho dù chỉ là một chiếc áo dài vải ka tê. Như thế, cũng là thể hiện sự công bằng trong nhà trường, khoả lấp sự cách biệt trong các em”.
“Thế rồi tôi vận động các em là Tết này tiền lì xì không xài, để dành mua áo dài năm sau mặc. Ðồng thời cũng động viên các em hè đó lao động kiếm tiền thêm để đủ sắm cho được cái áo dài đến trường”, cô kể tiếp.
Cô Ðàm Thị Ngọc Thơ trong chiếc áo dài đầu tiên cô mặc lên lớp, khi khởi xướng việc thực hiện đồng phục áo dài cho nữ sinh Trường PTTH Hồ Thị Kỷ. Hiện chiếc áo này được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (TP Hồ Chí Minh). (Ảnh nhân vật cung cấp). |
Khi ấy, Hội đồng Giáo dục nhà trường là cánh tay đắc lực, cùng sát cánh hỗ trợ cho cô, đặc biệt là các giáo viên chủ nhiệm. Với một bộ phận học sinh nghèo, phụ huynh đến xin miễn đồng phục thì ngoài động viên gia đình cố gắng, công đoàn trường sẽ tiếp tay hỗ trợ một phần để cùng gia đình sắm sửa trang phục cho các em.
“Sau quá trình chuẩn bị, đến đầu năm học 1983-1984, tôi quyết định cho các nữ sinh đồng phục áo dài. Ngày mặc áo dài đầu tiên là ngày khai giảng. Năm đó trường có 300 em nữ sinh thì có 295 em mặc áo dài; còn 5 em thuộc lớp 12, là năm cuối, vì lý do này nọ xin miễn. Ngày đầu tiên các em mặc áo dài đến trường (hồi ấy đi bộ - PV), cả thị xã Cà Mau người dân rất hâm mộ, họ cứ ra các ngả đường để ngắm nữ sinh tinh khôi, duyên dáng trong chiếc áo dài”, nhắc lại khoảnh khắc này, trong giọng nói, ánh mắt cô hiệu trưởng ngày nào, niềm vui, hạnh phúc vẫn còn hiển hiện.
Giờ đây việc mặc đồng phục áo dài đối với các trường trở nên bình thường; nhiều cơ quan, công sở cũng đồng phục áo dài. Người ta mặc áo dài vào dịp lễ, Tết, các sự kiện quan trọng; áo dài còn dự phần vào các cuộc thi trang phục quốc tế, thể hiện bản sắc văn hoá, hồn cốt dân tộc, quốc phục của phụ nữ Việt Nam.
Tuy vậy, thời ấy, việc chủ xướng đồng phục áo dài của cô Ðàm Thị Ngọc Thơ lại vấp phải rất nhiều ý kiến trái chiều, phản bác, thậm chí tranh cãi đến gay gắt. Vì điều kiện kinh tế còn khó khăn, bên cạnh đó là do quan điểm của một số người, trong đó có không ít cán bộ. “Người ta cho mình là tư sản hoá, cho rằng mình khôi phục lại một thời chế độ cũ. Người ta không hiểu rằng, chiếc áo dài là cội nguồn, gốc gác của dân tộc, từ cái áo tứ thân mà ra”, cô phân trần.
Trước nhiều áp lực, cô bị sốc đến nỗi đổ bệnh phải nhập viện. “Hay tin tôi bệnh, hôm đó, sau giờ học, các em kéo nhau vô bệnh viện thăm cô. Nguyên đám học trò đi vào bệnh viện trong tà áo dài trắng rợp, làm ai cũng chú ý. Các y, bác sĩ đang chơi bóng chuyền ngoài sân, phải dừng lại ngắm nghía, trầm trồ. Lúc đó tôi rất xúc động, như có thêm động lực, niềm tin vực dậy tinh thần…”, cô bày tỏ.
Vốn là người yêu thơ, trước tình cảm và hình ảnh ấy, cảm xúc cô đã tuôn trào qua con chữ:
Hãy đến với cô, tà áo trắng
Cả những sáng vui và cả những chiều buồn
Ở chỗ đứng này cô quạnh lắm
Nếu như cuộc sống thiếu các con.
Ðây tà áo trắng, áo trắng bay
Phất phơ trắng xoá cả một trời
Tà áo đưa ta vào ngày mới
Ðẹp thêm những bước học làm người.
Ðâu phải đời ta mãi đói nghèo
Xương máu ta đổ biết bao nhiêu
Ðể giành lại tự do và độc lập
Mồ hôi phải đổi lấy mạnh giàu.
Ðây tà áo trắng, áo trắng bay
Các con thường mơ mộng những gì
Mai sau con nhé làm cô giáo
Ði giữa rừng hoa trắng áo dài.
Cô cho biết, chỉ sau một, hai năm kể từ khi Trường PTTH Hồ Thị Kỷ (nay là THPT Hồ Thị Kỷ) cho học sinh đồng phục áo dài, thì tà áo dài trắng cũng xuất hiện ở nhiều trường các tỉnh bạn, trong đó có TP Hồ Chí Minh.
Tôi vinh dự là học sinh của trường, niên khoá 1985-1988, cũng được khoác lên mình chiếc áo dài đồng phục suốt thời phổ thông trung học. Lúc ấy, tôi không hề biết gì về “cuộc chiến áo dài” giữa cô hiệu trưởng của mình với “búa rìu dư luận” trước đó. Chỉ nghe mọi người truyền nhau câu nói “đanh thép” của cô về việc quyết giữ đồng phục áo dài.
Nhắc lại chuyện này, cô kể: “Lần đó, trong cuộc họp phụ huynh của trường, có một cán bộ làm ở ngành văn hoá đứng lên phản đối việc mặc áo dài. Ðầu tiên tôi giải thích tại sao tôi chủ trương cho đồng phục như vậy, đồng thời tuyên bố rằng: “Tôi làm sai Ðảng cứ kỷ luật tôi, nhưng một ngày Ðàm Thị Ngọc Thơ này còn làm hiệu trưởng, thì xin thưa, tà áo dài vẫn cứ tiếp tục tung bay nơi Trường PTTH Hồ Thị Kỷ và trên các nẻo đường thị xã Cà Mau”. Cuộc họp có Chủ tịch UBND tỉnh và Giám đốc Sở Giáo dục dự. Sau khi tôi tuyên bố, cả hội trường im lặng. Chừng vài phút sau, một phụ huynh cũng có tuổi đứng lên vỗ tay tán thưởng. Liền đó, cả hội trường cũng vỗ tay. Lúc đó, nước mắt tôi cứ chảy dài. Tôi cảm thấy xúc động vì mình được ủng hộ, mình được chở che, bênh vực và thấy rất yên tâm. Từ đó về sau, không còn nghe ai phản bác nữa”.
Cô bảo, có nhiều câu chuyện quanh chiếc áo dài do cô khởi xướng rất cảm động. “Có một phóng viên nước ngoài vào TP Hồ Chí Minh, thấy nữ sinh mặc áo dài, họ thích thú và đặt câu hỏi: “Tôi muốn biết ai là người chủ xướng việc nữ sinh mặc áo dài này?”. Thầy Châu ở trường đọc được bài báo đăng về chuyện đó mừng lắm, cầm khoe với tôi. Sau đó tôi cũng có viết bài trả lời trên báo”, cô phấn khởi kể.
Cô còn cho biết, thời ấy, có một số tờ báo viết về vấn đề đồng phục áo dài của cô, như báo Pháp Luật, báo Tuổi Trẻ… Các báo đều thừa nhận, cô chính là người khởi xướng việc cho nữ sinh cấp 3 trong cả nước đồng phục áo dài sau giải phóng, và Trường PTTH Hồ Thị Kỷ chính là trường “phát pháo” đầu tiên.
Sự kiện khởi xướng đồng phục áo dài của cô còn ghi dấu ấn lớn, đó là khoảng năm 1992-1993, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã xin một chiếc áo dài cô mặc đầu tiên để trưng bày tại Bảo tàng, kèm theo đó là bài báo của báo Pháp Luật với tựa đề “Người khoác lại chiếc áo dài cho nữ sinh trung học”. “Sau đó, Bảo tàng mang chiếc áo và bài báo ấy đi trưng bày ngoài Côn Ðảo, Nha Trang, Ðà Nẵng... Học trò mình có ở khắp nơi, nó biết được, thông đạt về cho cô hay, xem như là món quà cổ vũ động viên, là niềm vui của cô trò. Các em coi đó là sự hãnh diện, tự hào, vì mình từng học ngôi trường đó, từng được mặc chiếc áo dài do chính cô khởi xướng, giờ thì được cả nước biết tên”, cô bồi hồi nhớ lại.
Khi ấy, cùng với việc đồng phục áo dài cho học sinh nữ, giáo viên nữ của trường cũng mặc áo dài lên lớp. Thầy giáo đứng lớp phải áo "đóng thùng", mang giày nghiêm chỉnh; học trò nam thì áo trắng bỏ vô quần. Mọi thứ đi vào nền nếp, chính quy, ghép vào khuôn kỷ luật, vào quy cách hiện đại của nhà trường.
Câu chuyện đã hơn 40 năm, người nữ hiệu trưởng bản lĩnh, khẳng khái, quyết đoán ngày nào đã qua tuổi bát tuần, nhưng trong đời cô câu chuyện về chiếc áo dài đồng phục vẫn như còn nguyên vẹn. Cô bảo, có vui, có buồn, nhưng rất tự hào, bởi mình cũng được ghi chút dấu ấn góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc.
Còn với chúng tôi, những nữ sinh Trường PTTH Hồ Thị Kỷ ngày nào, chiếc áo dài một thời ngoài tình yêu, còn là niềm hãnh diện. Bởi ngôi trường thân yêu nơi cuối trời Tổ quốc của chúng tôi, lại là ngôi trường đầu tiên trong cả nước sau ngày hoà bình thống nhất, nữ sinh được khoác lên mình bộ đồng phục áo dài./.
Huyền Anh
(责任编辑:Thể thao)
- ·4 huyện của Hà Nội: Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng sẽ trở thành quận
- ·Quảng Ninh: Tiêu hủy hàng giả mạo thương hiệu trị giá trên nửa tỷ đồng
- ·Quảng Ninh: Tiêu hủy hàng giả mạo thương hiệu trị giá trên nửa tỷ đồng
- ·Cựu cố vấn quyết đối đầu ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng 2024
- ·Tin tức mới nhất vụ bác sĩ Hoàng Công Lương: Hé lộ người 'đứng sau’ chỉ đạo
- ·Tỷ giá USD hôm nay 18/4/2024: USD trong nước tiếp tục “đu đỉnh”, thế giới bất ngờ giảm sốc
- ·Sầu riêng miền Tây liên tục rớt giá
- ·Tỷ giá hôm nay 19/4: USD tại các ngân hàng thương mại tăng giá mạnh
- ·Chế tạo lưỡi nhân tạo, bàn tay nhân tạo nhờ công nghệ in 3D
- ·Vì sao ung thư ngày càng gia tăng?
- ·Quý I/2019, công bố Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam
- ·4 loại vitamin có ích nhất cho làn da
- ·Vượt chỉ tiêu khám trong năm 2014
- ·Tỷ giá USD hôm nay 16/4/2024: USD đồng loạt tăng vùn vụt
- ·VFF chưa nhận được hết tiền thưởng các Mạnh Thường Quân hứa tặng U23 Việt Nam
- ·Thuốc lá lậu vẫn len lỏi vào nội địa
- ·Hết lòng vì bệnh nhân
- ·Hướng tới đào tạo nhân lực y tế theo chuẩn quốc tế
- ·Tin tức Covid
- ·Mùa hè, đừng để bệnh vì... thiếu nắng