Những công ty từng sa thải hàng nghìn lao động trong thời gian đầu đại dịch thì đến cuối năm 2021 lại phải đối mặt vấn đề trái ngược: Không thể tuyển đủ lao động. Macy’s đã cho phần lớn trong số 125.000 nhân viên cửa hàng bách hóa của mình nghỉ việc vào tháng 3/2020.
Một năm rưỡi sau, họ tăng mức lương khởi điểm tính theo giờ lên 15 USDvà triển khai chương trình hỗ trợ học phí đại học để thu hút mọi người nộp đơn ứng tuyển vào 76.000 vị trí đã bị bỏ trống khi hơn 2 triệu lao động ngành bán lẻ nghỉ việc vào mùa hè và đầu mùa thu.
Vẫn trong cảnh tuyệt vọng khi sự kiện mua sắm Black Friday đã cận kề, họ huy động lao động từ trên văn phòng tập đoàn xuống đảm nhiệm các vị trí gấp áo và xếp hàng lên kệ, van vỉ các giám đốc nhân sự và kế toán viên tham gia vào một chương trình mà họ gọi là “Yêu tinh Nâng cao Trải nghiệm”.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Freepik. |
Giống như rất nhiều diễn biến của nền kinh tế và xã hội toàn cầu trong thời kỳ đại dịch, đó là một sự đảo ngược nhanh đến gần như không thể tin nổi. Vào tháng 4/2020, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ lên tới gần 15%. Đến cuối năm 2021, con số này là dưới 4% - mấp mé mức thấp nhất mọi thời đại - và các chủ sử dụng lao động vẫn đang cố lấp đầy 10 triệu việc làm còn trống.
Tình trạng mất cân bằng này trao thêm sức mạnh cho một phong trào lao động mới ra đời. Vào tháng 3/2022, các công ty Mỹ đang trả cho nhân viên của mình mức lương cao hơn gần 5% so với một năm trước đó. Target, Amazon và Costco đều bị mắc kẹt trong một cuộc chiến tiền lương, chứng kiến lương trả theo giờ tăng từ 15 lên 16 rồi hơn 20 USD.
Lao động có vẻ đang đi lên xét trên những phương diện khác. Trong khoảng thời gian từ ngày 1/10/2021 đến 31/3/2022, người lao động đã gửi 1.174 đơn yêu cầu lên Ủy ban Quan hệ Lao động Quốc gia, đòi thành lập công đoàn tại nơi làm việc của họ, tăng 57% so với cùng kỳ năm trước.
Họ đại diện cho hàng trăm quán Starbucks và một nhà kho Amazon ở Đảo Staten, lực lượng đã giành chiến thắng tại một trong những phong trào công đoàn được theo dõi sát sao và đấu tranh gay gắt nhất lịch sử hiện đại.
Những nỗ lực này còn xa mới đủ để tạo ra một dấu ấn có ý nghĩa đối với tình trạng suy giảm quyền lực công đoàn đã kéo dài suốt 50 năm qua, trong đó, số thành viên công đoàn giảm từ hơn 1/4 vào năm 1960 xuống còn 10% vào năm 2018.
Nhưng sự gia tăng của hoạt động công đoàn kết hợp với thực tế rằng các công ty lớn đã tăng lương sau nhiều năm từ chối, cho thấy rằng cán cân quyền lực giữa ban lãnh đạo và người lao động có thể đang thay đổi. Một ngày nào đó, đại dịch virus corona có thể được xem như một cuộc tái lập, khi con lắc không chỉ dao động tự nhiên nữa mà đã bị đẩy bật sang hướng ngược lại.
Bình luận
(责任编辑:Ngoại Hạng Anh)