Mỗi cô gái yêu skincare và makeup thường tự hào về bộ sưu tập son môi, màu mắt cũng như những loại serum, kem dưỡng cao cấp của mình. Nhưng bạn đã bao giờ thử dừng lại và nghĩ về ảnh hưởng của món đồ làm đẹp đến bản thân và môi trường sống? Với hàng tấn mỹ phẩm được sản xuất mỗi năm, việc gây ô nhiễm môi trường là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, với xu hướng xanh đang ngày càng lan rộng, rất nhiều thương hiệu đã và đang dần mở ra tương lai cho ngành mỹ phẩm thân thiện với môi trường.
Lên án nhựa dùng một lần
Nhắc tới làn sóng bảo vệ môi trường, chắc chắn bạn sẽ nghĩ ngay đến những chiến dịch lên án nhựa sử dụng một lần. Thế còn bao bì mỹ phẩm? Hầu hết vỏ chai dầu gội, sữa tắm, sữa rửa mặt, toner, kem dưỡng… đều được làm từ nhựa và chúng mất cả ngàn năm để phân hủy. Đáng buồn hơn, rất ít người tái chế chai lọ mỹ phẩm nhựa. Theo thống kê của Garnier, tại Anh quốc, chỉ có 56% bao bì mỹ phẩm gia dụng được tái chế. Tại Mỹ, con số này còn thấp hơn 30%.
Giải pháp “xanh” trở thành mục tiêu hành động của các hãng mỹ phẩm. Nhiều hãng mỹ phẩm đã mạnh tay thay toàn bộ lọ nhựa của sản phẩm thành thuỷ tinh mặc dù giá thành của những lọ thủy tinh này đắt gần gấp đôi vỏ nhựa thông thường nhưng lại dễ dàng tái chế cũng như ít độc hại cho môi trường hơn.
The Ordinary không chỉ là dòng mỹ phẩm bình dân chất lượng hot nhất hiện nay mà còn là một trong những nhãn hàng luôn đặt môi trường trong chiến lược kinh doanh.
Ngay từ những bước đầu tiên, The Ordinary đã cắt giảm tối đa bao bì sản phẩm. Hầu hết các sản phẩm của The Ordinary đều được đặt trong vỏ thủy tinh. Theo Brandon Truaxe, cố sáng lập của The Ordinary, giá thành của những lọ thủy tinh này đắt gần gấp đôi vỏ nhựa thông thường nhưng lại dễ dàng tái chế cũng như ít độc hại cho môi trường hơn.
Trong phân khúc mỹ phẩm cao cấp, Dior cũng đang từng bước trở thành một hãng mỹ phẩm thân thiện với môi trường. Những năm trở lại đây, Dior đã dần loại bỏ vỏ bọc nylon ngoài sản phẩm cũng như cắt giảm tối đa giấy, bìa cứng sử dụng trong bao bì. Trong tương lai, Dior muốn những sản phẩm dưỡng da chứa ít nhất 90% thành phần chiết xuất từ nhiên nhiên.
Nhắc tới bao bì xanh, không thể bỏ qua hãng mỹ phẩm handmade nổi tiếng nhất thế giới: Lush. Nhà sáng lập của Lush, Mark Constantine, đã từng nói: “Bao bì là rác và chúng ta đã phải chịu đựng chúng quá lâu rồi”.
Từ năm 2007, Lush bắt đầu xu hướng “naked” – sản phẩm không có bao bì. Mở đầu với những bánh xà phòng, dầu gội cũng như thuốc nhuộm tóc dạng bánh, cho tới dòng trang điểm không bao bì. Hiện nay gần 40% sản phẩm của Lush được tính là “naked”, giảm thiểu hàng triệu chai lọ mỗi năm. Ngoài ra, Lush cũng ưu tiên sử dụng 100% giấy tái chế để bọc sản phẩm. Càng nhiều giấy được sản xuất, càng nhiều cây xanh bị mất đi. Sử dụng giấy tái chế ở quy mô lớn là một bước quan trọng trong việc bảo vệ lá phổi của trái đất.
Công nghiệp mỹ phẩm xanh và sạch hơn
Hiện nay, không khó để thấy xu hướng “refill” trong mỹ phẩm ngày càng được ưa chuộng. Nếu như tại nước ngoài phong trào refill hay những cửa hàng mua đồ không rác (zero-waste) phát triển ồ ạt như nấm sau mưa, tại Việt Nam, xu hướng này cũng vừa mới bắt đầu. Trong đó, Lam Mộc và Lại Đây Refill Station là hai cái tên được nhiều bạn trẻ biết tới nhiều nhất.
Lại Đây tổng hợp rất nhiều sản phẩm từ viên đánh răng, nước súc miệng, kem chống nắng cũng như dòng sản phẩm sữa tắm chai thủy tinh nổi bật từ NauNau. Còn Lam Mộc lại chú trọng vào những sản phẩm chăm sóc tóc với thành phần tự nhiên gần gũi với người Việt Nam như bồ kết, hà thủ ô, hương nhu, bồ hòn, tinh dầu bưởi và tinh dầu chanh.
Mỗi năm ngành công nghiệp mỹ phẩm thải ra hàng chục ngàn hóa chất, gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến hệ sinh thái và nhiều loài động vật biển. Do đó một bước quan trọng để ngành mỹ phẩm trở nên thân thiện với môi trường hơn cần xuất phát từ chính người tiêu dùng hướng tới những dòng mỹ phẩm thiên nhiên và đặc biệt là mỹ phẩm organic. Để đạt tiêu chuẩn chứng nhận thành phần organic trong mỹ phẩm, nguyên liệu phải qua một quy trình sản xuất chặt chẽ, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường cũng như ảnh hưởng tới hệ sinh thái.
Tính bền vững trong việc khai thác nguyên liệu thiên nhiên cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường một cách lâu dài. Khi chọn sản phẩm, bạn hãy chú ý tới biểu tượng của Fair Trade và Rainforest Alliance. Hai logo này chứng minh nguồn nguyên liệu thiên nhiên được khai thác hợp lý và không ảnh hưởng tới hệ sinh thái, nhân công được chi trả xứng đáng. Kem dưỡng da tay đình đám cho da khô chứa 20% Shea Butter của L’Occitane có chứng nhận Fair Trade về nguồn gốc của Shea Butter.
Trong những năm trở lại đây, rất nhiều nhãn hàng lớn từ Âu sang Á đang từng bước cải tiến ngành công nghiệp mỹ phẩm trở nên xanh hơn và sạch hơn. Hãng mỹ phẩm thiên nhiên từ Pháp, Caudalie đã trở thành thành viên của tổ chức “1% dành cho trái đất”. Caudalie quyên góp 1% tổng doanh thu cho hoạt động bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, Neal’s Yard Remedies, hãng mỹ phẩm organic nổi tiếng từ Anh quốc đã trở thành hãng mỹ phẩm đạt tiêu chuẩn về CO2 thải ra trong sản xuất 10 năm liên tiếp. Theo dự án rừng Makira, hãng cũng sẽ bảo tồn 82 m2 rừng mưa nhiệt đới đang bị đe dọa ở Madagascar cho mỗi tấn CO2 họ thải ra.
Tại châu Á, Shiseido có thể coi là tiên phong trong việc phát triển công nghệ làm đẹp đi đôi với hoạt động bảo vệ môi trường. Bên cạnh việc xanh hóa quy trình sản xuất, hằng năm Shiseido cũng tổ chức những dự án trồng cây gây rừng. Từ năm 2008 tới nay, Shiseido đã trồng hơn 100.000 cây với tỷ lệ trưởng thành đạt 88%.