Ai cũng có thể trở thành nạn nhân của Body shaming trong mắt người khác. Nguồn: voh. |
Trong một lần ứng tuyển làm chiêu đãi viên cho một hãng hàng không, một người bạn tôi nhận được các bình luận: “Sao da em mụn, khô, xấu thế? Sao chân sẹo thế? Em không tập thể dục à, sao mỡ thế?”. Rồi người xét tuyển quay ra nói với ứng viên khác: “Đi phẫu thuật thẩm mỹ hết mặt đi rồi quay lại đây”.
Chủ nghĩa thiên vị ngoại hình tạo ra những bất bình đẳng và bất công trong xã hội. Khi còn nhỏ, học sinh có ngoại hình tốt được giáo viên ưu ái hơn. Lớn lên, người có ngoại hình ưa nhìn dễ xin việc hơn, nhận được mức lương cao hơn, dễ được đề bạt hơn.
Theo một nghiên cứu ở Mỹ, chênh lệch lương giữa nhóm có ngoại hình trên trung bình và nhóm dưới trung bình lên đến từ 12% tới 17%. Thậm chí người có ngoại hình được quan tâm hơn khi đi khám chữa bệnh. Họ nghiễm nhiên nhận một “phụ cấp ngoại hình” - cụm từ này lột tả tài tình vấn đề mà ta đang bàn tới.
Phụ cấp thường được trao cho người có thâm niên, người công tác ở vùng sâu vùng xa, làm ca đêm hay công việc độc hại, và trong những trường hợp này, nó hợp lý. Nhưng nếu chỉ đơn giản vì tóc bạn mượt hơn và chân bạn dài hơn? Thật bất ngờ, cái loại phụ cấp này tồn tại thật, công khai và chính thức, điều này chắc chỉ có ở Việt Nam.
Trong các thông tin tuyển dụng của một tập đoàn đa lĩnh vực, ngoài các chế độ như xe bus đưa đón, hỗ trợ cơm ca, khoản “phụ cấp ngoại hình tối đa 3 triệu VND/tháng” được ghi rõ. Nhưng ưu tiên người có ngoại hình thì cũng không ổn như khi ta ưu tiên một giới tính, một sắc tộc hay tôn giáo nào đó.
Trong bối cảnh Việt Nam, tình trạng này đặc biệt gây bất lợi cho người nghèo, người xuất thân từ vùng nông thôn, hay một số dân tộc thiểu số, những người thường thấp bé, nhẹ cân hơn trung bình và cũng ít có điều kiện tham gia cuộc đua chăm sóc ngoại hình hơn. Sự phân biệt đối xử này xuất hiện ở những hoạt động nhỏ nhất của xã hội.
Trong các chương trình văn nghệ của các trường, đặc biệt khi có quan chức tham dự, thường chỉ các em xinh xắn, hoạt bát mới được chọn để lên biểu diễn. Với một tư duy nhân văn hơn, người ta sẽ thiết kế chương trình như thế nào đó để mỗi em, dù nói ngọng hay chậm chạp, cũng được góp phần, có thể chỉ qua việc đóng vai cái cây hay một người gác cổng với vài lời thoại.
Một ví dụ đáng xấu hổ của chủ nghĩa sùng bái ngoại hình xảy ra với Lễ khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh 2008. Trong buổi đó, hàng tỉ người xem trên toàn cầu say đắm với giọng ca và vẻ ngoài xinh xắn, dễ thương của bé Lâm Diệu Khả, 9 tuổi. Vài ngày sau, người ta mới biết rằng bé Khả thực ra hát nhép theo giọng ca của bé Dương Bối Nghi, 7 tuổi.
Bối Nghi có giọng hát mê hồn, nhưng em không được đứng trên sân khấu vì mấy chiếc răng cửa của em khấp khểnh, chuyện hay xảy khi người ta 7 tuổi và đang thay răng. Nhưng người lớn đã ra quyết định này bởi họ cho là Nghi không xứng đáng để “đại diện” cho quốc gia. Bản thân Diệu Khả cũng không biết là khán giả thực ra không nghe được giọng hát của mình. Báo chí nước ngoài gọi màn trình diễn này là “Olympic karaoke”.
Cư dân mạng Trung Quốc giận dữ và cho rằng đây là một sự độc ác với các em. “Vì sao phải bị ám ảnh vậy bởi ngoại hình nhỉ?”. Một người phẫn nộ. “Mọi em bé 7 tuổi đều là thiên thần”. Một người khác bình luận: “Chúng ta không cần một sự dễ thương fake”.
Trong môi trường châu Âu mà cá nhân tôi đã học tập và làm việc gần 20 năm, dù chắc chắn có những phân biệt đối xử ngầm, có ý thức hay vô thức, dựa trên màu da, giới tính hay tôn giáo, việc một cơ sở giáo dục hay một nhà tuyển dụng, đặc biệt ở khu vực công, công khai loại những người thấp hay những người béo ra ngoài, là một điều không thể hình dung được (hiển nhiên trừ ở các công việc mà yếu tố chiều cao, cân nặng là thực sự cần thiết).
Từ nhiều năm nay, nhiều công ty, tập đoàn không nhận ảnh của các ứng viên để quá trình sàng lọc không bị ảnh hưởng bởi ngoại hình, ngược với thông lệ tuyển công chức ở Việt Nam là hồ sơ vẫn luôn yêu cầu ảnh, chiều cao và cân nặng. Cũng cần lưu ý là với người nghèo, xã hội có thể giúp đỡ để họ vượt khó, theo đuổi giấc mơ học hành và sự nghiệp của mình. Nhưng với người vì không hợp “chuẩn” ngoại hình mà bị gạt ra ngoài thì không ai có thể giúp họ được.
Sếp của một người quen của tôi nói thẳng: “Em mà dốt thì anh vẫn đào tạo được, nhưng em xấu thì anh không đào tạo được”. Những cơ sở giáo dục mà ta nói tới bên trên có chính sách chiếu cố xem xét các thí sinh có thành tích đặc biệt, nhưng điều này lại càng thể hiện sự vô lý của các yêu cầu ngoại hình.
Tại sao bạn phải cố gắng vượt bậc so với thí sinh bên cạnh để có bằng thạc sĩ luật, chỉ vì bạn nặng 49 kg vào thời điểm tuyển sinh, còn cậu ấy nặng 50 kg? Xã hội đã thống nhất là để công bằng thì một số đối tượng nên được hỗ trợ để có cơ hội học tập hay làm việc, ví dụ người dân tộc thiểu số, hay con em của thương binh liệt sĩ. Những người này được cho là xứng đáng được ưu tiên bởi họ có những thiệt thòi nhất định. Chủ nghĩa thiên vị ngoại hình xóa bỏ những ưu tiên này và dựng nên những rào cản khác.