Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) - phát biểu tại Hội nghị Tổng kết 15 năm công tác liên ngành về phòng, chống in lậu sáng ngày 9/12. Ảnh:Đức Huy. |
Theo phản ánh từ người tiêu dùng nhiều năm trở lại đây, một số cá nhân lợi dụng nền tảng mạng xã hội để buôn bán sách lậu. Nhiều cuốn sách được quảng cáo là hàng thật nhưng khi nhận lại là sách giả, chất lượng kém. Các tài khoản này sau khi thực hiện giao dịch nhanh chóng bị xóa hoặc ẩn đi.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) - công nghệ luôn có hai mặt. Các cơ quan quản lý, điều tra có thể truy vết những đối tượng in lậu trên không gian mạng nhờ áp dụng những thành tựu về công nghệ thông tin.
Cuộc chiến sách lậu chuyển sang không gian số
Tại Hội nghị Tổng kết 15 năm công tác liên ngành về phòng, chống in lậu sáng ngày 9/12, ông Nguyễn Ngọc Bảo - Phó cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành - cho biết các Đoàn, Đội liên ngành phòng, chống in lậu là nhân tố quan trọng giúp các cơ quan chức năng triệt phá nhiều cơ sở in lậu.
Riêng từ năm 2015 đến 2022, Đoàn liên ngành phòng chống in lậu tiến hành 78 lượt kiểm tra cơ sở in, cơ sở phát hành. Tại các điểm này, Đoàn phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 12 cơ sở với tổng số tiền là 644 triệu đồng, xử lý thu hồi và đề nghị tiêu hủy 88.885 xuất bản phẩm các loại.
Các Đội liên ngành, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông địa phương đã tiến hành 10.787 cuộc kiểm tra, thanh tra. Từ đó, tổng số xuất bản phẩm bị thu hồi và tiêu hủy lên tới 476.618. Những con số trên cho thấy nỗ lực của các ban, ngành cùng nhau chống lại nạn sách lậu.
Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (thuộc Bộ VHTTDL) phát biểu tại hội nghị. |
Vấn nạn in lậu còn trở nên nhức nhối hơn khi các đối tượng phạm tội tận dụng mạng Internet để phát tán xuất bản phẩm giả. Thực trạng hiện nay cho thấy không ít trường hợp các cá nhân, tổ chức lợi dụng môi trường số để kinh doanh sách giả, quảng bá sản phẩm sai sự thật hoặc thậm chí họ phát tán miễn phí nội dung sách qua các máy chủ đặt ở nước ngoài. Điều này khiến việc phát hiện và xử lý vi phạm trở nên phức tạp.
“Công nghệ số tạo thuận lợi cho sáng tạo, lưu trữ, nhưng cũng đồng thời là công cụ giúp việc xâm phạm bản quyền trở nên dễ dàng và tinh vi hơn. Vấn đề phát hiện vi phạm bản quyền trên không gian mạng đã khó, nhưng việc xử lý các vi phạm có máy chủ đặt ở nước ngoài còn khó khăn hơn nếu không có hành lang pháp lý mạnh mẽ và cơ chế hợp tác quốc tế chặt chẽ”, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phát biểu tại hội nghị.
Ngoài ra, theo các đại biểu từ sở thông tin địa phương, một số đối tượng thường lợi dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo để lập tài khoản ảo, fanpage, hội nhóm nhằm rao bán các ấn phẩm in lậu, từ sách chính trị nhạy cảm, tài liệu nội bộ cho đến các sách cấm phát hành. Đặc biệt, nhiều cá nhân sử dụng sim rác, thông tin cá nhân giả để che giấu danh tính, kết hợp với việc giao hàng qua các công ty chuyển phát nhanh, khiến việc truy vết phức tạp hơn.
Lấy công nghệ trị công nghệ
Trước thực trạng sách lậu ngày càng tinh vi, đại diện Cục Xuất bản, In và Phát hành cũng cho rằng ứng dụng công nghệ hiện đại vào quản lý và giám sát hoạt động xuất bản là điều kiện tiên quyết. Việc tích hợp công nghệ nhận diện, cơ sở dữ liệu bản quyền và các nền tảng số không chỉ giúp phát hiện nhanh các vi phạm mà còn tạo thuận lợi trong việc truy cứu trách nhiệm. Công nghệ là công cụ hỗ trợ đắc lực để tối ưu hóa quy trình, nâng cao hiệu quả công tác quản lý.
"Việc ứng dụng công nghệ vào quản lý và phòng chống in lậu rất quan trọng. Công nghệ giúp chúng ta theo dõi và kiểm soát các vi phạm một cách hiệu quả hơn. Đồng thời, công nghệ tạo ra những công cụ hỗ trợ việc thu hồi sách in lậu nhanh chóng", ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành - chỉ đạo.
Cùng với đó, các nhà xuất bản cũng cần tích cực tham gia vào cuộc chiến này, củng cố nguồn nhân lực cho Đoàn, Đội phòng, chống in lậu trong bối cảnh cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đang diễn ra. Vai trò của nhà xuất bản không chỉ dừng lại ở việc sản xuất, đó còn là bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các tác giả và của chính họ.
Những tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống in lậu nhận bằng khen của Bộ Thông tin và Truyền thông. |
Cuối cùng việc hoàn thiện thể chế và nâng cao nhận thức về bảo vệ bản quyền tác giả cũng là một mục tiêu quan trọng. “Cần xây dựng một hành lang pháp lý đầy đủ và chặt chẽ hơn, đảm bảo các quy định về bảo vệ bản quyền được thực thi một cách hiệu quả. Đồng thời, việc nâng cao nhận thức của xã hội, đặc biệt là trong cộng đồng người tiêu dùng, về giá trị của bản quyền và tác phẩm sáng tạo là yếu tố then chốt”, ông Nguyễn Nguyên khẳng định.
Có thể thấy, sau 15 năm, công tác phòng, chống in lậu đã có nhiều chuyển biến. Đặc biệt sự ra đời của Đoàn, Đội phòng, chống in lậu là một bước đi sáng suốt của Bộ Thông tin và Truyền thông. Từ đó, những cuộc điều tra liên ngành được thực hiện nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành xuất bản, in ấn và phát hành.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected].Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.