Tính từ năm 1998 đến năm 2022, có 13 chính sách liên quan đến giảm thiểu rác thải nhựa như Luật, các nghị định, chỉ thị, chiến lược… Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, khẳng định quyết tâm, nỗ lực của Việt Nam trong cuộc chiến giảm thiểu rác nhựa như: Trình Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó, luật hóa các nội dung liên quan đến nhựa như quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) về nhựa.
Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID -19 đã làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và làm chậm nỗ lực giảm thiểu rác nhựa ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 nêu rõ, cần phân loại rác tại nguồn và thu phí theo khối lượng/thể tích chất thải phát sinh; trách nhiệm thu hồi và tái chế sản phẩm, bao bì phải bỏ… điều này để khuyến khích và thúc đẩy quá trình giảm chất thải nhựa.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Tuyết - Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội, chính sách đủ nhưng việc thực thi lại chậm.
“Chính sách bao quát nhiều vấn đề nhưng thực sự để thúc đẩy vấn đề thì chưa thể hiện trong chính sách, trong khi chính sách thay đổi rất nhanh” - PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Tuyết nói - “Chính sách phải là mục tiêu mình muốn thực hiện rõ ràng và tiến độ thực hiện”.
Trong hành trình giảm thiểu rác thải nhựa đại dượng, một số biện pháp đã được đưa ra như lệnh cấm sắp được áp đặt đối với việc sản xuất và nhập khẩu túi nylon sử dụng trong nước vào năm 2026 và hầu hết các sản phẩm nhựa dùng một lần vào năm 2031. Tiến sĩ Nguyễn Trung Thắng - Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng chúng ta cần nhìn nhận lại vấn đề, không phải do nhựa mà là do chúng ta chưa có sản phẩm thay thế.
“Nhựa mang lại nhiều lợi ích giá trị cho người. Không thể ngày một ngày hai từ bỏ thói quen được. Chúng ta chưa có sản phẩm thay thế được nhựa với chất lượng rẻ, bền, đẹp, không thấm nước” - theo Tiến sĩ Nguyễn Trung Thắng để thay đổi thói quen tiêu dùng thì cần phải giải quyết theo cách của thị trường.
“Các nhà sản xuất sản phẩm thay thế cũng phải có lãi mới làm được. Người tiêu dùng cần sản phẩm đáp ứng tiêu chí nhẹ, dẻo, giá thành chấp nhận được. Như vậy đây là bài toán tiếp cận thị trường. Chính sách cần giải quyết là giảm cầu với nhựa dùng một lần, tăng cầu với sản phẩm thân thiện thay thế” - Tiến sĩ Nguyễn Trung Thắng phân tích.
Tiêu thụ đồ nhựa dùng một lần đang quá dễ dàng vì nó gần như miễn phí. Các siêu thị, cửa hàng phát không túi nylon cho khách hàng. Không nhiều người sẵn sàng chi 7-10 nghìn đồng cho một túi dùng được nhiều lần bởi thói quen không ai mang túi đi chợ hay đi siêu thị. Đặc biệt với xu thế tiêu dùng online tăng mạnh dịp cuối năm, sức ép của rác thải nhựa lên môi trường ngày càng thách thức.
“Không thể phát không như hiện nay. Chúng ta cũng cần có chính sách hỗ trợ thúc đẩy tái chế” - Tiến sĩ Nguyễn Trung Thắng kiến nghị cần đánh thuế, phí.
Tháng 7/2020, Bộ TN&MT đã chính thức phê duyệt dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam”. Theo quyết định này, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam là chủ dự án, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF-Việt Nam, sau đây gọi tắt là WWF) là đơn vị tài trợ và đồng thực hiện dự án.
Dự án được thực hiện trong 4 năm 3 tháng với mục tiêu tổng thể "góp phần giảm ô nhiễm rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam thông qua việc hỗ trợ xây dựng các văn bản hướng dẫn để thực hiện các chính sách ưu tiên liên quan đến chất thải nhựa, các hoạt động truyền thông, tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với chất thải nhựa, nhằm hỗ trợ thực hiện “Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 tại Việt Nam".