Tại Hội thảo "Tầm nhìn xanh Việt Nam và những câu chuyện điển hình" do CafeF thuộc công ty CP VCCorp tổ chức sáng 22/11, ông Nguyễn Công Thịnh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) dẫn số liệu đáng chú ý. Đó là các công trình xây dựng trên thế giới phát thải khoảng gần 40% tổng lượng khí thải carbon, trong đó lượng carbon vận hành công trình chiếm khoảng 28% và hơn 11% phát thải đến từ carbon hàm chứa từ quá trình sản xuất vật liệu xây dựng và quá trình thi công xây dựng công trình.
Ở Việt Nam, theo số liệu báo cáo của chuyên gia Eurocham tại Diễn đàn kinh tế xanh 2023, các công trình xây dựng chiếm 39% năng lượng tiêu thụ, 12% lượng nước tiêu thụ, phát thải khoảng 38% lượng khí thải carbon.
Theo ông Thịnh, công trình xanh phát triển ở Việt Nam đến nay khoảng trên dưới 15 năm. Tính đến hết quý III/2023, số lượng công trình xanh ở Việt Nam là 305 công trình với tổng diện tích sàn xây dựng được chứng nhận gần 7,5 triệu m2. Đại diện Bộ Xây dựng cũng nhấn mạnh rằng: Việc phát triển công trình xanh sẽ thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành Xây dựng.
Trong khi đó, đại diện một đơn vị cấp vốn cho các dự án xanh, ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng giám đốc HDBank cho biết ngành ngân hàng nói chung và HDBank nói riêng đều tạo điều kiện về vốn cũng như triển khai nhiều chính sách ưu đãi cho các khách hàng sản xuất, kinh doanh sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.
Còn đại diện SHB thì cho biết một số giải pháp mà ngân hàng này đang thực hiện nhằm góp phần đưa phát thải ròng về 0 như cải cách các quy định, quy trình, cơ chế cho đến "may đo" các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng cho các lĩnh vực xanh…
Trong lĩnh vực giao thông vận tải, đại diện Xanh SM thông tin, giao thông xanh là phương thức để phát triển bền vững, góp phần định hướng phát thải ròng về 0. Vị này dẫn ra con số đáng chú ý khi phát triển giao thông xanh, đó là trung bình doanh thu của một xe taxi và xe máy điện của GSM hiện nay đang bằng một xe xăng, chi phí nhiên liệu và bảo dưỡng chỉ hết 1/3 so với xe xăng. Ngoài ra, doanh thu từ thị trường taxi điện ước tính khoảng 600 triệu USD và xe ôm là 2,5 tỷ USD/năm.
Ở lĩnh vực bất động sản, Gamuda Land là nhà phát triển bất động sản có chiến lược đặc biệt là cải tạo và biến những khu vực kém phát triển như"rốn nước thải" Yên Sở thành khu đô thị xanh, văn minh, hiện đại.
Ở lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã tiên phong trong việc không sử dụng bao bì nylon hoặc dùng nylong tự phân huỷ. Một số doanh nghiệp như Nhựa tái chế Duy Tân (DUYTAN Recycling) đã đầu tư khoản kinh phí khổng lồ để xây dựng nhà máy sản xuất nhựa tái chế công nghệ cao, sản xuất ra các sản phẩm nhựa tái chế thân thiện với môi trường, phục vụ tiêu dùng không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu đi 12 nước trên thế giới.
Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26), Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, giảm phát thải khí mê-tan 30% vào năm 2030, giảm dần và loại bỏ điện than trong giai đoạn 2030-2040, bảo vệ rừng.