Theo Nhóm khoa học Dự án Carbon toàn cầu, gồm các chuyên gia đến từ Đại học Exeter, Đại học East Anglia, Trung tâm nghiên cứu khí hậu quốc tế CICERO, Đại học Ludwig-Maximilian Munich và 90 tổ chức khác trên toàn thế giới, lượng khí thải carbon dioxide (CO2) toàn cầu bắt nguồn từ nhiên liệu hóa thạch tăng lên mức cao kỷ lục 36,8 tỷ tấn vào năm 2023, tương đương mức tăng 1,1% so với năm 2022.
Nhóm nghiên cứu cũng ước tính tổng lượng phát thải CO2 toàn cầu (do hóa thạch+ do thay đổi sử dụng đất gồm nạn phá rừng) là 40,9 tỷ tấn.
Theo báo cáo, lượng khí thải CO2 từ dầu và khí đốt tăng lần lượt 1,5% và 0,5% trong năm nay, trong khi lượng khí thải từ than đá (từng đạt đỉnh vào năm 2014) tăng 1,1% lên mức cao kỷ lục mới.
Lượng phát thải CO2 sẽ tăng ở Ấn Độ thêm 8,2% và ở Trung Quốc tăng 4%, trong khi Liên minh Châu Âu sẽ giảm 7,4% và Mỹ giảm 3%.
Nhóm nghiên cứu dự báo, nồng độ CO2 trung bình trong khí quyển vào năm 2023 đạt 419,3 phần triệu ppm (đơn vị đo nồng độ của một chất trong hỗn hợp chứa chất đó), đánh dấu mức tăng 51% so với mức tiền công nghiệp.
Ở mức phát thải hiện tại, các nhà nghiên cứu ước tính 50% nguy cơ nhiệt độ toàn cầu sẽ nóng lên vượt quá 1,5 độ C liên tục trong khoảng 7 năm.
Cháy rừng cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiệt độ toàn cầu tăng cao trong năm nay. Lượng khí thải CO2 toàn cầu từ các vụ cháy rừng vào năm 2023 cao hơn mức trung bình (dựa trên hồ sơ vệ tinh kể từ năm 2003), do mùa cháy rừng khắc nghiệt ở Canada tạo lượng khí thải cao hơn mức trung bình từ 6 đến 8 lần.
Các sự gia tăng này đặt ra thách thức nghiêm trọng trong việc đạt được các mục tiêu về khí hậu. Pierre Friedlingstein, giáo sư tại Viện Hệ thống toàn cầu Exeter, người đứng đầu nghiên cứu này cho biết: “Tác động của biến đổi khí hậu hiển nhiên xung quanh chúng ta, nhưng hành động nhằm giảm lượng khí thải carbon từ nhiên liệu hóa thạch còn rất chậm. Khoảng cách giữa những lời hứa của chính phủ, nhà đầu tư và công ty với hành động của họ vẫn còn quá lớn”.
“Bây giờ có vẻ như toàn cầu khó đạt được mục tiêu từ Thỏa thuận Paris giới hạn mức tăng nhiệt độ ở mức 1,5 độ C trước cuối thế kỷ này. Đồng thời, các nhà lãnh đạo họp tại Hội nghị các bên về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP28) cũng khó đạt mục tiêu giữ cho nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng quá 2 độ C”,Friedlingstein nói.
Corinne Le Quéré, giáo sư tại trường Khoa học môi trường của UEA nói thêm: “Lượng khí thải CO2 toàn cầu đang gia tăng gây trầm trọng thêm hiện tượng biến đổi khí hậu, trong khi các tác động của nó đối với nhân loại càng ngày càng lớn.
Vì thế, các quốc gia cần phải khử cacbon trong nền kinh tế của mình nhanh hơn hiện tại, tránh những tác động tồi tệ hơn từ biến đổi khí hậu”.