"Tôi sẽ đòi hỏi sự bình đẳng cho người chuyển giới và tất cả chúng ta sẽ cùng nhau làm nên một thế giới tốt đẹp". Cụm từ đòi hỏi quyền bình đẳng từng được Hương Giang nói đi nói lại rất nhiều lần trong đêm chung kết Miss International Queen 2018 và đây cũng là từ khóa góp phần không nhỏ giúp cô bước lên ngôi vị nữ hoàng.
"2 sân chơi cùng một chiếc bánh", nhưng Miss International Queen Vietnam 2023 bị "tuýt còi"
Và sau khi trở về Việt Nam trong sự hân hoan của người hâm mộ, Hương Giang đã bắt tay vào công cuộc giúp cho cộng đồng LGBT tự tin bước từ bóng tối ra ánh sáng. Nhưng có vẻ điều này không dễ dàng.
"Ban đầu lúc tổ chức cuộc thi dành cho người chuyển giới, Giang chỉ nghĩ đơn giản là giúp các bạn có một sân chơi để thể hiện tiếng nói của mình" -nhưng có vẻ bản thân Hương Giang và ban tổ chức đã vấp phải một số sai lầm và thiếu sót liên quan đến vấn đề cấp phép.
Dịu Thảo vừa đội vương miện chưa khít đầu thì cuộc thi Miss International Queen Vietnam 2023 - tạm dịch là Hoa hậu Chuyển giới Việt Nam bị tuýt còi và phía Hương Giang đang lao đao trước vấn đề giải trình với các cơ quan ban ngành, thậm chí là phải nộp phạt và Dịu Thảo cũng đang đứng trước ngưỡng cửa có nguy cơ không được công nhận danh xưng hoa hậu.
Cụ thể vào chiều ngày 9/4, ông Trần Hướng Dương, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, cho biết đã nắm được thông tin cuộc thi Hoa hậu Chuyển giới - Miss International Queen Vietnam 2023 tổ chức trái phép:"Các cuộc thi nhan sắc hiện do địa phương quản lý, cấp phép. Cuộc thi Hoa hậu Chuyển giới tổ chức trái phép, chưa có sự đồng ý của Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, Sở sẽ xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật".
Tuy nhiên, xử lý như thế nào chưa rõ và phía Hương Giang Entertainment vẫn không có bất kì động thái nào, Top 3 vừa mới lộ diện cũng "lặng im", bằng chứng các hoạt động sau đăng quang của Dịu Thảo - Tường San - An Nhi đều bị dập tắt. Mới đây, ông Nguyễn Đức Thọ, Chánh thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP.HCM cũng đã lên tiếng: "Sau khi Sở ra quyết định thì phía Hương Giang đã chủ động chấp hành thực hiện theo yêu cầu cho dù sát giờ diễn".
Vậy cụ thể cuộc thi Miss International Queen Vietnam 2023 đã sai phạm điều gì. Theo chương 2, mục 1, điều 10 của Nghị định 144/2020 có quy định rất rõ về điều kiện thủ tục tổ chức biểu diễn nghệ thuật:"Phải có văn bản chấp thuận tổ chức biểu diễn nghệ thuật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền".
Hương Giang đã từng tổ chức khá thành công chương trình Chinh phục Hoàn Mỹ 2018 và Đại sứ Hoàn Mỹ 2020 với việc tìm ra 2 gương mặt Đỗ Nhật Hà và Phùng Trương Trân Đài. Thật ra bản chất của 2 sân chơi này cũng là "cùng một chiếc bánh" với Miss International Queen Vietnam - đơn giản vì nó đều dành cho người chuyển giới tham dự và được tổ chức dưới dạng truyền hình thực tế.
Việc né tên gọi "Miss" và thay thế bằng tên tiếng Việt "Hoàn Mỹ" đã là một sự cởi trói rất văn minh từ phía cơ quan ban ngành dành cho cộng đồng LGBT. Trong suốt cả 3 cuộc thi vừa qua, không một lần nào ban cố vấn - MC cho đến nhà tài trợ gọi tên cuộc thi là Hoa hậu Chuyển giới Việt Nam mặc dù ai cũng biết đây là một cuộc thi dành riêng người chuyển giới từ nam sang nữ.
Tuy nhiên, phải phân biệt rõ ràng, cuộc thi Chinh phục Hoàn Mỹ hay Đại sứ Hoàn Mỹ vốn dĩ là 2 mùa giải ghi hình trước - phát sóng sau dưới hình thức của một gameshow, sau đó được biên tập cắt ghép thậm chí là xào nấu lại để ra một "đêm thi" công bố tới khán giả người chiến thắng - nó không phải là một hình thức của một cuộc thi hoa hậu, hoa khôi.
Bằng chứng là Đỗ Nhật Hà trong khoảnh khắc vinh danh cô cũng được tôn vinh là ngôi vị quán quân The Tiffany Vietnam 2018 chứ không phải là hoa hậu Đỗ Nhật Hà. Càng suy nghĩ, càng lý luận khán giả càng cho rằng Hương Giang đã không bị sờ gáy ở 2 mùa giải trước thì hà cớ gì tới năm 2023 phải đứng trước nguy cơ nộp phạt.
Hương Giang hiểu rõ quy định nhưng vẫn làm trái?
Không biết có phải do truyền thông o bế hay sự làm quá của fan sắc đẹp vô tình dẫn đến việc họ cố chấp công nhận cuộc thi Dịu Thảo vừa đăng quang là Hoa hậu Chuyển giới Việt Nam. Trong khi phía Hương Giang đã rất nhiều lần làm đơn xin được cấp phép nhưng cơ quan chức năng không chấp nhận.
Kể từ tháng 02/2022, sau khi có nghị định về việc Cục Nghệ thuật biểu diễn không phải là đơn vị cấp phép cho các cuộc thi sắc đẹp cấp quốc gia mà sẽ bàn giao về cho địa phương quản lý. Điều này cũng đã lý giải cho việc tại sao trong năm 2022 nổ ra quá nhiều cuộc thi hoa hậu như vậy.
Mặc dù là cởi trói nhưng cuộc thi Miss Peace Vietnam cũng "lãnh án" vì không được cấp phép giống hệt với trường hợp của Miss International Queen Vietnam. Mùa giải năm đó, công ty Minh Khang xin UBND Thành phố Đà Nẵng tổ chức cuộc thi Miss Peace Vietnam và được chấp thuận nhưng lại casting tại Thành phố Hồ Chí Minh - trong khi TP.HCM không phải là tỉnh/thành phố cấp giấy phép cho phía Minh Khang.
Vậy nếu "khéo léo" hơn, Hương Giang có bị sờ gáy hay không? Giả sử phía Hương Giang sau khi quay xong 7 tập truyền hình thực tế và tổ chức buổi lễ công bố Top 3 người chiến thắng chắc chắn mọi thứ sẽ dễ thở hơn. Nhưng vấn đề cần nói ở đây là Miss International Queen Vietnam có thời lượng hơn 4 giờ và được phát livestream trên kênh Youtube cũng như các nền tảng mạng xã hội khác.
Hoặc áp dụng phương án ghi hình trước - phát sóng saunhư Chinh phục Hoàn mỹ và Đại sứ Hoàn mỹthì mọi chuyện có lẽ đã khác hoặc đêm chung kết nếu được diễn ra ở nước ngoài như Miss Supranational Vietnam 2018 hoặc Hoa hậu Đại Dương thì cũng không ai nói gì được. Đằng này, Hương Giang công bố trao sash cho Top 3, công bố người chiến thắng, trao vương miện và thậm chí có cả màn final walk giống hệt với khâu tổ chức của một cuộc thi hoa hậu chính thống.
Đây không phải lần đầu tiên cuộc thi Miss International Queen Vietnam 2023 vướng phải ồn ào. Trước đó, buổi công bố Top 20 dự kiến tổ chức vào 14h ngày 23/2 đã bị hủy vào giờ chót vì không được Sở thông tin và truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận với lý do chưa đủ thủ tục theo quy định. Vậy cụ thể là thủ tục gì? Như thế nào mới gọi là đủ thủ tục theo quy định? Liệu có phải là vấn đề liên quan đến tên gọi cuộc thi hay không?
Căn cứ theo khoản 5 Điều 12 Nghị định 38/2021/NĐ-CP thì hành vi tổ chức thi người đẹp và người mẫu mà không có văn bản chấp thuận sẽ bị xử phạt từ 25 đến 30 triệu đồng. Ngoài ra, còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm theo điểm đ khoản 9 Điều 12 Nghị định 38/2021/NĐ-CP. Mức phạt trên áp dụng với cá nhân vi phạm, nếu tổ chức có hành vi vi phạm tương tự thì phạt gấp đôi theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 38/2021/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 128/2022/NĐ-CP).
Vấn đề không phải nộp phạt 25 triệu hay 30 triệu mà hệ lụy của điều này sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của cuộc thi cũng như cộng đồng. Sứ mệnh của các sân chơi sắc đẹp dành cho người chuyển giới là giúp các thế lực yếu thế trong xã hội có tiếng nói, lan tỏa nhiều sức mạnh đến cộng đồng nhưng rõ ràng vết sạn này đã hất đổ toàn bộ kỳ vọng của fan sắc đẹp.
Vậy các mùa giải tiếp theo, thi hoa hậu chuyển giới còn bị mang tiếng cuộc thi chưa được cấp phép nữa hay không?