【olympic tashkent】Ơn người gieo chữ
(CMO) Không nhớ rõ tự bao giờ tôi đã nghe ai đó đọc vang lên rằng: "Thầy tôi là cả mọi người / Lớp tôi là cả mọi nơi trên đường…, nghe mà ngẫm hoài, đọc hoài và nhớ hoài cho đến tận bây giờ vẫn thấy hay, không thể nào quên những năm tháng được thầy cô dạy dỗ, cho dù chiến tranh bom đạn tôi học dưới những mái trường mái lá đơn sơ, không được chính quy như hiện nay.
Còn nhớ khoảng năm 1958 hay 1959 gì đó, tôi được 8 hay 9 tuổi mới được ba má cho đi học trường làng. Thầy giáo trường làng thời ấy là một ông giáo già, nhưng rất tận tuỵ, chăm sóc học trò từng nét chữ, con số, cha mẹ học trò gọi ông là thầy giáo Hịa với lòng yêu kính và quý mến. Tôi nhớ đóng học phí cho thầy bằng lúa chứ không phải bằng tiền.
Lớp học thời chiến. Ảnh tư liệu |
Tôi vào lớp năm (tức lớp 1 bây giờ), thầy viết và dạy cho tôi trong cuốn sổ mấy chữ đầu đời to đùng: i, t, ti, u, ư, n, ni, nu, nư,… thầy cũng viết mấy chữ này lên bảng và cho từng đứa lên đọc cho đến khi thuộc.
Cứ thế, tôi theo học dần, đều đặn cho đến lớp tư, lớp ba. Thầy viết cho học trò mỗi đứa cuốn tập đồ, nét rất chuẩn từ chữ viết hoa cho đến chữ thường và những con số. Sau đó, thầy còn viết bằng ngòi viết lá tre, mực tím cho mỗi học trò một cuốn sổ số học, hình học, đo lường và một cuốn sổ học cửu chương: cộng, trừ, nhân, chia.
Thuở đó, đâu có sách như bây giờ để học. Nhiều lúc, tôi nghĩ thầy dành không biết bao nhiêu thời gian, công sức và cả tâm huyết mà tận tụy như vậy, ngồi gò từng chữ, từng bài cho mỗi đứa học trò.
Ở ấp Thị Tường A, Thị Tường B thời đó, trước thế hệ tôi, đã có thế hệ cha anh đã được thầy dạy dỗ ân cần, nên rất nhiều học trò của thầy đều có nét chữ đều, đẹp, thẳng tắp, giống chữ của thầy như in vậy, nhứt là chữ của anh Hai Ca, anh Ngọc Định, Thanh Mai,… Thầy giảng cho chúng tôi nghe thế nào là “Tiên học lễ, hậu học văn”, thầy dạy chúng tôi “đi thưa về trình, gặp người lớn tuổi phải cúi đầu chào lễ phép…”.
Thầy giáo Hịa của chúng tôi đã khổ công lái con đò tri thức đưa bọn trẻ trong làng sang mấy con sông, phụ huynh và học trò nơi này không ai quên ơn thầy. Các trò góp lúa không biết có đủ cho thầy sống hằng năm không, nhưng nhà thầy rất nghèo. Sau này tôi đi học xa quê, chiến tranh khốc liệt tràn tới, thầy già thêm, lại đau yếu nên qua đời trong thiếu vắng, cô đơn. Sau ngày giải phóng, chúng tôi gom góp tiền cùng xây nấm mộ cho thầy để phần nào an ủi vong linh và tưởng nhớ công ơn to lớn của thầy.
Nhờ số vốn học ở trường làng, năm 1962, tôi được các chú cán bộ xét cho đi học lớp nhì trường xã Hưng Mỹ. Hãy còn bé xíu, tôi quảy gói lên vai tự lực sống xa nhà, trọ cùng nhà chị Năm Chư (Rau Dừa) để gần trường dễ đi học. Sau đó, tôi chuyển sang ở nhà thím Ba Hên, rồi nhà chú Tám Ve. Cô giáo tôi là cô Ngọc Tám (Tám Anh) và cô giáo Thanh, cả hai cô đều trẻ và rất xinh đẹp, duyên dáng, dễ mến. Cô chăm sóc, chỉ bảo chúng tôi từ việc cách đối xử, ăn ở trong nhà dân cho đến việc học hành. Cô thường thăm hỏi và gửi gắm chúng tôi nhờ bà con giúp đỡ. Cô còn cho chúng tôi tập đánh trận giả, lợi dụng địa hình những đám lá dừa nước ven sông để chia phe đánh nhau, vui ra trò.
Trường học chúng tôi là ngôi nhà lá 3 căn, nền đất trống trơn không bàn ghế. Bởi bàn học là những chiếc ghế xếp cá nhân, khi học mở ra, nghỉ học xếp lại tự đem ra sau vườn giấu hết; bài vở học xong mỗi tối cũng mang đi giấu, đề phòng bọn lính đồn của cảnh sát Hoàng ở Rau Dừa càn vào, chúng tôi là con nít ở hợp pháp nhận là con, cháu của gia đình. Rồi cũng đến ngày bế giảng lớp, chúng tôi chia tay cô giáo thân thương và các bạn học của mình trong lưu luyến ngậm ngùi.
Đầu năm 1963, tôi tiếp tục được các chú chọn cho đi học lớp nhất trường liên xã Hưng Mỹ và Tân Hưng. Anh Ba Ký và Sáu Thu dẫn chúng tôi băng đồng qua ấp Cái Giếng và gửi số học sinh Hưng Mỹ ở trong nhà dân. Tôi ở nhà anh chị Năm Tháo và ba má, có cô con gái Út Thiểu cùng học với chúng tôi nên ba má rất thương, giúp cho ăn uống, nghỉ ngơi, đào hầm tránh pháo và dành nhiều thời gian cho học bài. Chị Năm sinh cháu trai đầu lòng đặt tên Trần Minh Thuỳ, tôi có nhiệm vụ trông cháu giúp chị và cháu rất mến tôi (Minh Thuỳ giờ đã trưởng thành, là cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh).
Thầy giáo của chúng tôi dạn dày, giỏi giang, nhiều kinh nghiệm. Thầy có bộ râu quai nón dài và mượt, nụ cười tươi, hiền và đẹp. Thầy giảng văn cuốn hút, mê say, khơi gợi tình yêu nước, yêu quê hương, ca ngợi lòng dũng cảm hy sinh vì nước, chăm chút, bồi dưỡng nhận thức cho chúng tôi từ chút. Thầy dạy toán là thầy Phong, ở thành mới vô, thầy còn dáng vẻ thư sinh, nhưng lại rất gần gũi, chân thành và dễ mến. Thầy có phương pháp dạy sâu sắc, dễ hiểu, rất hay và rất giỏi. Chúng tôi đón nhận ở 2 người thầy yêu kính những kiến thức mới lạ, bổ ích, góp phần cho sự trưởng thành của mỗi đứa sau này.
Thêm lớn, thêm khôn từ sự chăm sóc, dạy dỗ của thầy cô trong những ngôi trường kháng chiến, mái lá đơn sơ như vậy, năm 1965 tôi lại được các chú chọn cho đi học lớp 5 (tức trung học năm thứ nhất) trường huyện. Tại đây, nhiều bạn bè tứ phương tựu về, rất nhiều bạn học cùng tôi từ lớp nhì, lớp nhứt cùng về đây học, trong đó có Út Cuộc, Út Thiểu, anh Chín Hộ, Hoàng Sơn, Bé Hai, chị Tuyết Vạn và một số bạn học khác.
Trường đóng tại ấp Nhà Vi, xã Trần Thới. Học sinh cũng chia ra ở trong nhà dân, tôi cùng ở với chị Thái Thị Khuôi và thầy Nguyễn Phúc Hồ, Phạm Thanh Truyền, thầy Hai Cao và thầy Mười Phan trong nhà chú Tư Ngộ. Chú là Trưởng Ban Giáo dục xã Trần Thới nên dốc lòng lo mọi mặt cho thầy trò chúng tôi, mặc dù chú và thím có tới 5 người con. Sau đó, tôi chuyển sang nhà Má Hai, rồi Má Tư cùng xóm.
Mỗi thầy đảm nhận dạy 2-3 hoặc 4 môn. Mỗi giờ vào lớp, chúng tôi như nuốt lấy từng câu, từng chữ, từng lời thầy giảng, đứa nào cũng lo học tốt, làm bài tốt để không phụ lòng thầy. Cứ như thế, chúng tôi thêm hiểu biết, thêm trưởng thành, thành người cán bộ khi ra trường. Khi đến trường, chỉ có 3 đoàn viên là Út Thiểu, chị Mỹ Tịnh và tôi, thầy Phạm Thanh Tuyền làm Tổ đoàn trưởng; khi ra trường, phát triển hơn chục đoàn viên. Cũng tại đây, bao lần máy bay bỏ bom, bắn phá, chúng tôi toả ra các hầm hố quanh trường. Nhưng lần đó, chúng bỏ bom cháy trụi ngôi trường, bà con phải cất lại ngôi trường khác bên liếp dừa gần đó cho chúng tôi học tiếp.
Chú Sáu Công là Trưởng Ban Giáo dục huyện thời đó về trường làm việc và phát động chúng tôi làm công tác quần chúng, tức là toả ra các xã đi dạy bình dân học vụ trong vòng 3 tháng để thoát dốt cho bà con. Tôi về Rạch Láng, xã Phú Mỹ, trong 2 tháng 12 ngày tôi dạy thoát dốt được 12 cô bác ở đó. Anh Phan Thanh Tùng là Trưởng Ban Giáo dục xã Phú Mỹ và bà con rất thương đám học trò của chúng tôi. Còn nhớ lúc đó có những bạn vận động bà con không chịu đi học, chú Sáu Công đến thăm và kể cho chúng tôi nghe một chuyện rất hay. Đó là bà mẹ không chịu đi học, dù đi vận động đã 5, 10 lần. Hôm nọ, bà đi câu cá xa trên ruộng, cá ăn rất mê, bà lại ghiền trầu mà quên mang theo. Người bạn đó đến thăm, biết là bà ghiền trầu liền mang trầu lội ruộng đem tới nơi cho bà, làm cảm động lòng bà và từ đó bà chịu đi học.
Câu chuyện nhỏ giúp chúng tôi nhiều trong công tác quần chúng. Khi tổng kết đợt công tác, học trò trường chúng tôi dạy thoát dốt cho trên 200 bà con, được các chú ở các địa phương và các thầy khen ngợi. Tiếp tục trở lại trường học cho biết chương trình và thời điểm ôn thi cuối lớp cũng đến. Trời tháng 5 âm u, mưa lất phất rơi, tôi cùng Út Thiểu đang ngồi trong bàn học ôn bài, các bạn nam chơi đánh hưng trước sân trường thì có tiếng súng nổ rất gần. Bên cạnh tôi, Út Thiểu lảo đảo ngã xuống trong vòng tay tôi và tắt thở. Thì ra, Thái Thành Khen cũng là bạn học, vô tình ấn cò cây trường bá đỏ, không ngờ, mũi súng nhắm vào trúng tim Út Thiểu… Thầy trò tôi đau đớn tiễn chị, người học trò xinh đẹp, hiền ngoan…
Trong đêm 1/5/1966 ấy, chúng tôi đưa chị về ấp Cái Giếng quê nhà trong sự bàng hoàng đau xót của ba má, anh chị Năm và xóm giềng. Bao lời chia buồn, xin lỗi, tiếc thương ngậm ngùi của chúng tôi không làm vơi nỗi mất mát của gia đình. Từ đó, tôi như thay cho Út Thiểu trong gia đình và các cháu xem tôi như cô út của nó. Chị Năm sau này sinh thêm cháu gái lấy tên tôi đặt cho cháu.
Ngày 19/5/1966, trường bế giảng, chúng tôi lưu luyến, buồn vời vợi vì sắp phải xa thầy, xa bạn, truyền tay nhau tập lưu bút tràn đầy tình bạn, tình thầy. Thầy Nguyễn Phúc Hồ ghi vội mấy dòng cho tôi vào lưu bút mà tôi còn nhớ: “Đời cháu là một đoá hoa hồng, mỗi cánh hoa là một gai nhọn, một thử thách, một thực tế. Tiến lên, vươn mình lập công, thời gian trôi đi không bao giờ trở lại”. Thầy Hai Cao thấy các bạn nữ khóc thút thít, liền viết tặng bài thơ. Tôi còn nhớ:
Mưa thu bạt nắng hè
Gió than im lặng nghe
Chia ly ngày sắp đến
Mắt mờ bởi lệ che
Thu này ta chia ly
Gió gợi kỷ niệm gì
Hạt mưa đùa lá rụng
Đánh dấu buổi phân kỳ
Hãy vui, buồn làm chi
Ta về, mạnh bước đi
Giữ lời thề chiến đấu
Ít lâu gặp chớ gì!
Thầy viết thế nhưng chỉ sau mấy năm, học trò chưa kịp gặp lại thầy thì thầy đã hy sinh trong một trận biệt kích của giặc. Tôi ghi lại bài thơ này như nén tâm hương dâng lên thầy với lòng yêu thương nặng trĩu. Rồi thầy Mười Phan cũng ra trận, anh dũng hy sinh. Thầy Nguyễn Phúc Hồ cũng đã từ trần mấy năm trước. Giờ chỉ còn thầy Phạm Thanh Truyền. May mắn thay, chúng tôi đã họp mặt trường để gặp thầy, gặp bạn được 2 lần. Năm 2016 , thầy cùng Huyện uỷ Cái Nước tổ chức họp mặt lần 2, bạn học ở xa về khá đầy đủ, nhắc lại một thời non trẻ, một thời bên nhau và chuỗi dài cống hiến cho quê hương, nhiều bạn học đã hy sinh.
Về Hưng Mỹ công tác được vài năm, năm 1969 tôi lại được đi học sư phạm Trung cấp Tây Nam Bộ tại Kinh Nhà Hội, Lung Cây Năm, huyện Năm Căn. Trong mênh mông rừng đước, trường học, nhà Ban giám hiệu, nhà thầy, nhà học viên, nhà y tá, nhà bếp, nhà ăn,… mọc lên giăng giăng. Nối những căn nhà với nhau là những chiếc cầu khỉ bắc qua chang đước lắc lẻo, rung rinh mà gắn kết, keo sơn và thắm thiết. Học trò chúng tôi là những nam thanh, nữ tú từ các tỉnh ĐBSCL tụ họp về, từng kinh qua công tác quản lý ngành giáo dục hoặc từng là giáo viên. Tôi là cô bé nhỏ nhất trường, cùng sống nội trú đầm ấm và chan chứa tình thầy trò. Tôi được giao việc ấn loát, in bài cho các bạn học, không phải đi bắt cá cải hoạt hay kiếm củi, hái rau gì cả.
Thầy chúng tôi là 2 thầy giáo được chi viện từ miền Bắc. Thầy Vũ Giang dạy văn hay chất ngất, rót vào tai chúng tôi từng lời ngọt lịm. Thầy thổi hơi thơ, hơi văn vào hồn chúng tôi bay bổng, êm đềm, thấm thía và sâu sắc. Thầy Hoàng Minh dạy Sử, Địa đã dắt chúng tôi đi vòng quanh nước nhà và ra cả thế giới bao la, tự hào về lịch sử ông cha hào hùng, đầy khí phách hiên ngang và dũng mãnh,… Chúng tôi ghi nhớ hết vào tâm trí để lớn lên, để trưởng thành, thành người “kỹ sư tâm hồn” thành “người giáo viên nhân dân”. Khi vào lớp, khởi điểm nhiều bạn còn non kém, viết bảng báo cáo chưa xong, giờ đã viết được những bài văn nghị luận dài 8, 9, 10 trang ngay tại lớp, bình giảng tốt, phân tích sâu, sáng tỏ, chứng minh hùng hồn, câu văn mạch lạc, không phụ lòng thầy dù chỉ chưa được một năm học tập.
Rồi chúng tôi cũng chia tay thầy khi kết thúc khoá học. Tối hôm 27/8/1969, từng đoàn học viên xuống xuồng 4 chèo rời bến dưới ánh trăng thượng tuần. Trên sàn đước cao cao, 2 thầy đứng vẫy tay từng học viên mà nghe trong lòng trống vắng. Thế rồi, lớp kế tiếp được khai giảng, thầy tiếp tục lái những chuyến đò đưa khách sang sông,… Cho đến ngày 16/7/1972, thầy Vũ Giang tử thương trên bàn mổ tại Trạm Dân y dã chiến tỉnh Cần Thơ. Khi ấy thầy là Trưởng Tiểu Ban giáo dục tỉnh Cần Thơ. Rồi ngày 3/4/1974 thầy Hoàng Minh cũng hy sinh. Cả 2 thầy đều không thể trở về sum hợp gia đình khi đất nước thống nhất.
Ngày Trường Sư phạm Tây Nam Bộ tổ chức họp mặt lần thứ nhất tại Cà Mau vào năm 2011, lớp tôi về được 9 anh chị em từ Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh , Kiên Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cà Mau. Ai cũng có thầy cô vây quanh chào hỏi chuyện trò, còn chúng tôi như đàn gà con mất mẹ, nỗi bơ vơ chen lẫn nhớ thương, ngậm ngùi. Họp mặt trường lần thứ tư tại Sóc Trăng năm 2017, tôi tìm gặp cô, vợ của thầy Hoàng Minh trong sự tưởng nhớ tiếc thương. Cô đã cao tuổi, nhưng điềm đạm, hiền từ và rất đẹp lão. Hài cốt thầy Hoàng Minh được thầy cô và các em đưa về nghĩa trang TP Hồ Chí Minh. Còn thầy Vũ Giang, ban liên lạc của trường vẫn chưa tìm được địa chỉ gia đình thầy. Sau giải phóng, còn bao thầy cô dạy văn hoá, chính trị, nâng tầm vóc tôi thêm lớn lên thành người cán bộ của Đảng, của Nhân dân.
Bây giờ, thầy trò gặp nhau, học trò của thầy đều đã nghỉ hưu, học trò của em cùng nghỉ hưu gần hết, con cháu đã trưởng thành, có vị trí trong xã hội. Thầy trò lặng nhìn nhau, thầm ngắm nét thời gian hằn sâu trên gương mặt. Bóng chiều liêu xiêu đổ dần về phía hoàng hôn, chỉ còn nặng trĩu trong lòng em mãi mãi vẫn là ơn thầy cô. Ngôi trường cách mạng năm nào mãi mãi vẫn là nơi trao cho em kiến thức và tôi luyện em trở thành người hữu ích cho xã hội. Xin thầy cô, người đã hy sinh, từ trần hay những người còn sống hãy nhận lòng biết ơn vô hạn của em, của phụ huynh và của toàn xã hội. Bởi vì:
Người giáo viên không phải là chiếc đò ngang cập bến
Ngày lại ngày đưa khách sang sông
Mà thầy cô là con tàu vũ trụ
Ôm tương lai Tổ quốc trong lòng…
Nguyễn Tuyết Nga
(责任编辑:Cúp C2)
- ·Đơn vị sự nghiệp có được sử dụng chung tài sản công?
- ·Gìn giữ tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan
- ·Thành phố Thủ Đức: Cần cơ chế đột phá để thu ngân sách đạt 10.000 tỷ đồng
- ·Nhân vật hoạt hình trở thành biểu tượng quốc gia
- ·Tạp chí Mỹ chọn Vịnh Hạ Long là điểm đến dành cho người tuổi Tý năm 2025
- ·Chính phủ đồng ý đề xuất gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất của Bộ Tài chính
- ·Các đại dương đang đổi màu vì biến đổi khí hậu toàn cầu
- ·Thực hiện chi phổ biến pháp luật đến khi có chính sách tiền lương mới
- ·85% tổ chức tín dụng kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận năm 2025
- ·Xuất khẩu cà phê thuận lợi, Việt Nam đẩy mạnh chế biến sâu, sản xuất xanh
- ·Cẩn trọng với nước rửa chén giá rẻ
- ·Cho phép 4 địa phương sử dụng kinh phí cải cách tiền lương còn dư
- ·Sửa luật Quản lý thuế: Quy định rõ trách nhiệm trong kết luận của Kiểm toán Nhà nước
- ·Khẩn trương xuất hỗ trợ hơn 12.416 tấn gạo dự trữ quốc gia cho người dân
- ·Truy bắt đối tượng cướp ngân hàng ở Tiền Giang
- ·Kế hoạch vô nhân tính của nhóm cướp, hiếp, giết nữ sinh Điện Biên
- ·Tăng hiệu quả quản lý ngân sách để thực hiện “mục tiêu kép”
- ·Cận cảnh cảng biển hiện đại bậc nhất Việt Nam nhờ số hóa cơ sở hạ tầng
- ·TP.HCM: Thông xe cầu 343 tỷ đồng sau 5 năm xây dựng
- ·Ninh Thuận: Phối hợp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công