Bản thân tôi không mấy căng thẳng trước khi phẫu thuật, vì đó là công việc hàng ngày của một bác sĩ chuyên phẫu thuật ung thư. Mỗi tuần, tôi đều phải thực hiện rất nhiều ca phẫu thuật tương tự nhau, tính đến giờ đã lên tới hàng trăm ca, nên cảm xúc hầu như không có biến động gì lớn.
Vẽ và mô phỏng ca mổ nhiều lần
Khi đọc được điều này, chắc hẳn sẽ có độc giả lên tiếng: ”Cầm dao mổ xẻ cơ thể tôi như vậy mà không cảm thấy gì, bác sĩ có nghiêm túc phẫu thuật không vậy?”.
Tôi không cảm thấy căng thẳng vì đã chuẩn bị sẵn từ nhiều tuần trước. Mỗi lần nhận kết quả xét nghiệm là một lần bác sĩ ngoại khoa đưa ra phác đồ và mô phỏng tiến trình phẫu thuật, sau đó tổng hợp lại dưới dạng ”tóm tắt tiền phẫu” trong bệnh án.
Tại bệnh viện nơi tôi đang làm việc sẽ có hai cuộc hội chẩn. Lần thứ nhất bao gồm một nhóm nhỏ các bác sĩ ngoại khoa chuyên về ung thư đại tràng cùng nhau xem hình chụp CT và nội soi, chia sẻ thông tin và thảo luận về cách phẫu thuật.
Lần hội chẩn thứ hai diễn ra tại một hội nghị đa ngành gồm các bác sĩ ngoại khoa thuộc các chuyên ngành khác ngoài ung thư đại tràng, các bác sĩ nội khoa và bác sĩ X-quang. Họ sẽ hội ý để xây dựng quy trình phẫu thuật và chính sách điều trị tổng thể. Vì vậy, trước khi vào phòng mổ, tôi đã thuyết trình hai lần về tình hình của bệnh nhân và xem hình chụp cả chục lần rồi.
Với các ca phẫu thuật bất thường thì bác sĩ sẽ xử trí thế nào? Trước khi tiến hành các ca phẫu thuật bất thường, tôi sẽ mô phỏng kỹ càng hơn. Trong giới ngoại khoa có nhiều bác sĩ còn vẽ lại hình ảnh các mạch máu và ruột, sau đó mô phỏng lại từng bước phẫu thuật.
Sau năm năm trở thành bác sĩ chính thức, với hầu hết ca phẫu thuật, tôi vẫn vẽ phác thảo trước lộ trình điều trị. Ngay cả bây giờ, nếu có ca mổ nào xuất hiện mạch máu chảy bất thường, tôi cũng đều vẽ lại rồi mang gắn trong phòng mổ.
Tác dụng của việc mở nhạc cổ điển khi phẫu thuật
Tiếp theo, tôi sẽ nói đến cảm nhận của bác sĩ khi thực hiện phẫu thuật, họ nghĩ gì và ở trong trạng thái tinh thần thế nào. Bản thân tôi thì chỉ nghĩ đến việc ”làm tốt nhất trong quá trình phẫu thuật”.
Có lẽ tất cả các bác sĩ phẫu thuật đều suy nghĩ xem phải làm sao để có thể phát huy hết các kỹ năng của mình. Dù nói thế này thì hơi quá, nhưng cảm giác này có phần giống một vận động viên hoặc nhạc sĩ đang chờ đến lượt trình diễn.
Tôi nghĩ nên tránh việc căng thẳng đến độ cơ thể căng cứng, vì điều đó sẽ gây khó khăn cho việc xử lý các trường hợp khẩn cấp như xuất huyết quá nhiều và khiến năng lực phẫu thuật của bác sĩ không thể được bộc lộ hết.
Với những ca phẫu thuật khó, tôi luôn tâm niệm phải duy trì trạng thái hưng phấn nhẹ bằng cách thư giãn, vì điều đó sẽ giúp tôi thể hiện được phong độ tốt nhất. ”Thư giãn” tạo ra sự thoải mái về tinh thần và ”hưng phấn nhẹ” giúp tăng cường khả năng tập trung.
Trước khi phẫu thuật hầu hết các bác sĩ chỉ nghĩ đến việc ”làm tốt nhất trong quá trình phẫu thuật”. Nguồn:vi.pngtree. |
Do đó, tôi sẽ mở nhạc trong phòng mổ để thư giãn. Đôi khi tôi mở bản nhạc mình yêu thích, cũng có khi tôi phó mặc cho y tá trong phòng mổ. Chỉ cần làm vậy là đủ để giúp mọi người trong phòng phẫu thuật đều được thư giãn. Bầu không khí căng thẳng trong phòng mổ phút chốc tan biến, những sai sót phát sinh do căng thẳng cũng sẽ giảm đi (dù cũng có lúc tôi bị bác sĩ phụ trách gây mê khẽ trách ”ồn ào quá” nên phải hạn chế lại).
Xin phép kể một câu chuyện ngoài lề. Trước đây, tôi từng đến thị sát tại một bệnh viện hàng đầu ở Seoul, Hàn Quốc và nghe một giáo sư phẫu thuật trẻ trung, phong độ kể rằng mỗi khi vào phòng mổ, anh ấy đều sẽ mở một bản piano cổ điển.
Một giáo sư bệnh viện đại học nọ còn cho biết: “Cứ hai tháng một lần, tôi sẽ xoay tua kết nối điện thoại thông minh của bác sĩ thực tập với loa ngoài và phát nhạc có trong điện thoại của họ. Làm như vậy, tôi có thể hiểu được bác sĩ thực tập yêu thích thể loại nhạc nào và có thể giải tỏa căng thẳng cho họ. Thêm vào đó, mấy bác sĩ ngoại khoa lớn tuổi chúng tôi cũng có thể nắm được xu thế âm nhạc”. Tôi rất ngạc nhiên khi được nghe những ý tưởng như vậy.
Lúc gây tê cục bộ cũng mở nhạc?
Không chỉ bật nhạc, tôi còn trò chuyện rất nhiều trong khi phẫu thuật. Tôi thường giải thích các bước phẫu thuật cho các bác sĩ trẻ, hoặc nói chuyện về tin tức sốt dẻo sáng nay hay bài báo mà tôi sẽ xuất bản tại hội nghị tiếp theo. Khoảng 80% bác sĩ phẫu thuật mà tôi biết đều trò chuyện trong khi phẫu thuật, vì đó cũng là một bí quyết để thư giãn và duy trì sự tập trung. Tất nhiên, khi đến những phần phức tạp, chúng tôi thường sẽ giữ im lặng.
Khi các bác sĩ trẻ tuổi từ nước ngoài đến Nhật thực tập, tôi vừa cầm dao mổ vừa giảng giải về phẫu thuật ở Nhật bằng tiếng Anh cho họ nghe. Tiếng Anh tuy khó, nhưng vì thường dùng các cụm từ cố định nên chỉ cần nhớ từ là nói chuyện được.
Tất cả những chuyện này đều xảy ra khi bệnh nhân đã được gây mê toàn thân và ngủ sâu. Trong phẫu thuật còn có phương pháp gây tê cục bộ, tức là chỉ gây tê bộ phận cần phẫu thuật và bệnh nhân vẫn ở trong trạng thái tỉnh táo. Những lúc như vậy, tôi thường giúp bệnh nhân thư giãn bằng cách tìm hiểu trước loại nhạc họ yêu thích để phát. Nếu là bệnh nhân lớn tuổi, tôi sẽ mở những bản nhạc cổ điển nhẹ nhàng, còn nếu là người trẻ tuổi thì tôi sẽ mở những bản nhạc pop êm dịu.
Nói đến chuyện mở nhạc khi phẫu thuật, có một câu chuyện không đáng cười chút nào mà đến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ. Trong một ca phẫu thuật gây tê cục bộ, tôi đã mở một đĩa CD nhạc cổ điển do y tá mang đến. Đó là album tập hợp trích đoạn các bản giao hưởng như ”Đồng quê”, ”Ánh trăng”, ”Từ thế giới mới”…
Yujiro Nakayama ”Ồ, toàn những giai điệu bất hủ”.
Vừa nghĩ như vậy nghe được giai điệu của ca khúc tiếp theo… Ten ten ten tèn… Đó là phần mở đầu bản ”Định mệnh” của Beethoven.
Ồ không, bản này thì không được... Tuy đó là một tuyệt tác, nhưng sẽ đem lại cảm giác hơi...
Tôi bối rối và lập tức hướng mắt về phía y tá: ”Xin hãy đổi ca khúc khác giúp tôi với!”. Y tá vội vàng chuyển bài. Hình như đĩa CD ấy về sau cứ nằm yên trong hộp, không còn được dùng tới nữa.