【kết quả nurnberg】Cảnh báo tình trạng lấn chiếm hành lang đường bộ
Bài 1: Quán “ôm” cây
Tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông (ATGT) làm nơi họp chợ, buôn bán tồn tại dai dẳng khiến người dân bức xúc. Theo ghi nhận của P.V, thực trạng các ki-ốt, công trình nhà ở, lều quán xây dựng trái phép trong hành lang đường bộ, thậm chí “ôm” luôn cây xanh hiện nay khá phổ biến.
Tận dụng không gian
Vì muốn tận dụng không gian để buôn bán, sinh hoạt, một số người dân đã dựng ki-ốt, hàng quán lấn luôn diện tích trồng cây xanh. Cách làm này vừa ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của cây xanh vừa góp phần tăng nguy cơ “bức tử” cây xanh cũng như ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.
Một cửa hàng thời trang tại KP.Tây A, phường Đông Hòa, TX.Dĩ An ngang nhiên lắp đặt bảng hiệu “ôm” trọn cây bằng lăng được trồng trên vỉa hè. Ảnh:N.HẬU
Theo ghi nhận của P.V, trên đường Thủ Khoa Huân (phường Thuận Giao, TX.Thuận An) không chỉ xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường để buôn bán mà nhiều ki-ốt vô tư “ôm” cây để tận dụng không gian. Ông Hoàng Thống Nhất (thuộc KP.Hòa Lân 1, phường Thuận Giao, TX.Thuận An), ngán ngẩm nói: “Tôi thấy nhiều người dân tận dụng cây xanh lớn hai bên đường để chằng chéo, buộc dây dựng ki-ốt, lều tạm để bán hàng. Nhiều cây xanh gần các quán này rơi vào cảnh “sống dở, chết dở”, thân hình còi cọc thiếu sức sống”.
Mặc dù đã có quy định xử phạt về tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, cây xanh, tuy nhiên, nhiều tuyến đường trên địa bàn TX.Thuận An, TX.Dĩ An, TP.TDM… không chỉ tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường diễn ra phức tạp mà nhiều hộ dân còn lập ki-ốt “ôm” cây xanh để buôn bán. Điều này đang khiến nhiều cây xanh hai bên đường rơi vào cảnh “sống dở, chết dở” do ảnh hưởng của việc buôn bán, kinh doanh, đó là chưa kể đến tình trạng nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh có hàng loạt cây xanh bị chết “bất thường”.
Theo ghi nhận của P.V trên địa bàn TX.Dĩ An có nhiều tuyến đường có cây xanh chết “bất thường” hoặc bị người dân cắt ngọn. Cụ thể, tại tuyến đường ĐT743A có nhiều cây bằng lăng bị chết. Nguyên nhân là do người dân dùng dao chặt, đẽo thân cây hoặc dùng đinh sắt đóng vào thân cây để treo vật dụng, làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây. Tương tự, tại các tuyến đường khác như Lý Thường Kiệt, Nguyễn An Ninh, Trần Hưng Đạo cũng có nhiều cây bị chết. Điển hình như cây viết có đường kính gốc hơn 15cm ở trước số nhà 315 đường Lý Thường Kiệt, KP.Thống Nhất 1, phường Dĩ An ban đầu bị vàng lá rồi sau đó chết hẳn, trong khi trên cây không hề có yếu tố sâu bệnh nào. Cách cây viết này không xa cũng có 2 cây viết bị chết. Cây viết này nằm trước một quán nhậu.
Tại TX.Thuận An, tuyến đường 3 tháng 2 (đoạn từ trường Tiểu học Phan Châu Trinh đến đường Nguyễn Văn Tiết) có nhiều cây sò đo cam bị chết. Cũng theo ghi nhận của P.V, có khoảng 10 cây xanh trên đường ĐT743C (đoạn qua phường Bình Hòa, TX.Thuận An) cũng bị chết không phải do sâu bệnh. Trên đường Bùi Thị Xuân (đoạn qua KP.1A, phường An Phú) có gần nửa số cây sò đo cam bị chết. Một số cây sau khi chết được người dân chặt bỏ. Các tuyến đường khác như Trương Định, Cách Mạng Tháng Tám, Hồ Văn Mên… cũng xảy ra tình trạng cây chết “bất thường”. Những cây chết ở các tuyến đường trên đều mọc trước các cửa hàng kinh doanh có biển hiệu lớn, ngược lại những cây không ở trước cửa hàng kinh doanh hoặc không có nhà dân lại phát triển rất tốt.
Cây xanh chết do phá hoại!
Hiện nay, để quản lý và bảo vệ cây xanh đô thị, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11-6- 2010 (gọi tắt là Nghị định 64) về “Quản lý cây xanh đô thị” và Thông tư số 20/2005/TT-BXD ngày 20-12-2005 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn quản lý cây xanh đô thị. Trong đó, Nghị định 64 đã quy định rõ các điều cấm, trách nhiệm quản lý và bảo vệ cây xanh đối với từng cá nhân, tổ chức, chính quyền cơ sở. Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Dương cũng ban hành Quyết định 03/2014/QĐ-UBND ngày 24-1-2014 của UBND tỉnh quy định về Quản lý các công trình giao thông, chiếu sáng, thoát nước, cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh.