Giải thưởng Khoa học Trần Văn Giàu lần thứ 12 - năm 2024 trao cho nhóm tác giả Võ Nguyên Phong và Cù Thị Dung với công trình biên khảo Đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn trước năm 1945 qua tư liệu lưu trữvì những đóng góp quan trọng đối với nghiên cứu về đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn trong lịch sử.
Đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn trước năm 1945 qua tư liệu lưu trữ được biên soạn dưới sự tổ chức thực hiện của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước. Sách dày gần 400 trang, do Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông ấn hành năm 2022. Đây được đánh giá là công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc, giàu hàm lượng khoa học và giá trị tư liệu, có độ tin cậy cao và sức lan tỏa rộng rãi trong thời gian qua về đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn từ khởi thủy đến trước 1945.
Trọng tâm của tập sách được cấu trúc gồm hai phần. Phần 1: “Vùng Sài Gòn - Gia Định: Từ sơ khởi đến năm 1859”. Từ những tiền đề hình thành vùng đất Nam Bộ dưới thời các chúa Nguyễn, phần này tập trung vào vùng Sài Gòn - Gia Định trước thời thuộc Pháp với các đối tượng trọng tâm là “hai tòa thành và phố cổ Bến Nghé”, “đô thị cổ vùng Chợ Lớn” cùng “hệ thống phòng thủ”, “đường thiên lý ở Gia Định” và “Văn Miếu và Trường thi Gia Định” là những công trình nổi bật xung quanh Sài Gòn - Gia Định.
Phần 2: “Đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn thời Pháp thuộc (1859-1945)” với hai nội dung trọng điểm là “tổ chức hành chính” và “quy hoạch đô thị” của Sài Gòn - Chợ Lớn trong thời kỳ này. Sách còn có 10 phụ lục trình bày khá chi tiết, đầy đủ về các công trình nổi bật của Sài Gòn - Chợ Lớn trước 1945 như thành phủ Tây Ninh, thành huyện Quang Hóa, đồn Tây Hóa, nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, dinh Toàn quyền, vườn Bách thảo Sài Gòn, Nhà hát Thành phố, Tòa Thị chính Sài Gòn, dinh Thống đốc Nam Kỳ, chợ Bến Thành, Bưu điện thành phố…
Bên cạnh kế thừa các nghiên cứu, công bố đi trước, công trình biên khảo Đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn trước năm 1945 qua tư liệu lưu trữ sử dụng một khối lượng rất lớn các tài liệu lưu trữ tại các trung tâm lưu trữ trong và ngoài nước, trong đó nhiều nhất là Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Đặc biệt, trong công trình này, có nhiều tài liệu quý về đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn trước năm 1945 lần đầu tiên được giới thiệu đến với công chúng.
Với 661 cước chú, hàng trăm trích dẫn từ 156 tài liệu tham khảo liên quan trực tiếp đến đề tài, cùng 69 hình ảnh là ảnh chụp đương thời về các sắc lệnh, biên bản, cáo thị, nghị định, báo cáo, công văn, bản đồ, bản vẽ, sơ đồ, các công trình xây dựng… gắn liền với đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn, công trình cung cấp một nguồn tư liệu vô cùng phong phú, đáng tin cậy về đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn trước và trong thời Pháp thuộc.
Biến tư liệu thành lịch sử, để tư liệu tự cất lên tiếng nói chứng nhân đương thời, Đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn trước năm 1945 qua tư liệu lưu trữ đã mang đến một cái nhìn chân thực, khách quan, đầy sức thuyết phục về vấn đề. Cùng đó, thao tác xử lý tư liệu khoa học, những phân tích, luận giải sâu sắc của nhóm tác giả là những nhà nghiên cứu Nam Bộ có uy tín trong giới sử học hiện nay là yếu tố quan trọng làm nên giá trị của công trình.
Mặc dù chưa thể bao quát toàn bộ vấn đề, công trình cũng chỉ dừng lại ở việc tập trung phác thảo diện mạo đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn trước năm 1945 qua nguồn tư liệu lưu trữ nhưng Đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn trước năm 1945 qua tư liệu lưu trữ thực sự là một đóng góp quan trọng đối với việc nghiên cứu lịch sử vùng đất từng được xem là thủ phủ Nam Bộ dưới thời các chúa và vua Nguyễn, “Hòn ngọc Viễn Đông” hay là “tiểu Paris ở phương Đông” dưới thời Pháp thuộc.
Giải thưởng Khoa học Trần Văn Giàu lần thứ 12 là một sự ghi nhận, vinh danh cho những đóng góp ý nghĩa này của công trình.
Bài viết của độc giả Phạm Tuấn Vũ, được gửi từ email "[email protected]"
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected].Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.